Lạm phát, Hoa Kỳ chuyển sang tăng nhập khẩu thủy sản Việt Nam vì giá rẻ

22/09/2022 15:36 GMT+7
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đang có kế hoạch mua 1,44 triệu pound (1 pound tương đương với 454 gam) các sản phẩm cá da trơn cho các chương trình hỗ trợ thực phẩm của chính phủ nước này.
Lạm phát, Hoa Kỳ chuyển sang tăng nhập khẩu thủy sản Việt Nam nhờ giá rẻ - Ảnh 1.

Tháng 8, giá xuất khẩu trung bình mặt hàng cá tra phile đông lạnh sang thị trường Hoa Kỳ tăng lên mức 5 USD/kg.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đang có kế hoạch mua 1,44 triệu pound các sản phẩm cá da trơn cho các chương trình hỗ trợ thực phẩm của chính phủ nước này. Đây là chương trình giúp cung cấp thức ăn cho người cao tuổi và người khuyết tật đủ điều kiện tham gia chương trình “Build Back Better” (tạm dịch là 'xây dựng lại tốt hơn') của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. 

Mục tiêu của chương trình là chuyển đổi hệ thống thực phẩm nhằm mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, nhà sản xuất và cộng đồng nông thôn bằng cách cung cấp nhiều lựa chọn hơn, tăng khả năng tiếp cận và tạo thị trường mới cho các nhà sản xuất quy mô vừa và nhỏ. 

Chương trình được xây dựng dựa trên các bài học kinh nghiệm từ đại dịch Covid 19 và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do cuộc chiến Nga và Ukraine. Chương trình sẽ củng cố chuỗi cung ứng quan trọng và giải quyết các thách thức tồn đọng. Việc giao hàng sẽ được thực hiện từ ngày 1/11 đến 31/1/2023.

Được biết, tháng 8, giá xuất khẩu trung bình mặt hàng cá tra phile đông lạnh của ta sang thị trường Hoa Kỳ tăng lên mức 5 USD/kg.

Dẫn thống kê từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, VASEP cho biết giá nhập khẩu trung bình cá tra đông lạnh vào Hoa Kỳ trong 7 tháng đầu năm khoảng 4,22 USD/kg, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng giá nhập khẩu cá tra đông lạnh từ Việt Nam tăng 56% đạt 4,21 USD/kg.

Theo thống kê Hải quan Việt Nam, tháng 8, giá trị cá tra sang Hoa Kỳ đạt 33 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, VASEP cho rằng, con số tăng trưởng này không phản ánh xu hướng tích cực vì cùng thời điểm năm ngoái, xuất khẩu cá tra giảm sâu do hầu hết các nhà máy chế biến phải giãn cách, đóng cửa vì Covid-19. Hơn nữa, doanh số bán cá tra sang Hoa Kỳ trong tháng 8 chỉ cao hơn khoảng 6,5% so với tháng 7.

Lũy kế 8 tháng, tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam tương đương 1,8 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ chiếm 23% với hơn 421 triệu USD, tăng 87%.

Trong cơ cấu sản phẩm cá tra xuất khẩu sang thị trường này, mặt hàng phile cá tra đông lạnh chiếm 87% tổng giá trị xuất khẩu đi Hoa Kỳ. Ước tính Việt Nam xuất khoảng 94.000 tấn cá tra phile đông lạnh sang Hoa Kỳ trong giai đoạn này.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, 7 tháng, Hoa Kỳ nhập khẩu 95.400 tấn cá tra đông lạnh, trị giá gần 403 triệu USD, tăng 35% về khối lượng và 106% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Hoa Kỳ nhập khẩu khoảng 88.200 tấn với trị giá 371 triệu USD từ Việt Nam, tăng lần lượt 34% và 109% so với cùng kỳ trước. Cá tra Việt Nam chiếm trên 92% tỷ trọng nhập khẩu cá tra của Hoa Kỳ.

Ngoài ra Hoa Kỳ cũng đang nhập cá tra, cá da trơn từ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Brazil. Trong đó, Trung Quốc chiếm khoảng 5%, các nước còn lại chiếm khoảng 3%.

VASEP dự báo, nhập khẩu cá tra của Hoa Kỳ có thể tăng dần trong những tháng cuối năm khi lạm phát đẩy giá thực phẩm tăng. Ngoài ra, thị trường hàng hóa sôi động hơn do bước vào chu kỳ tăng dịp Giáng sinh và các dịp lễ đầu năm mới.

Thực tế, lạm phát cao khiến nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ tháng 7/2022 giảm, sau khi đã tăng chậm lại trong tháng 6/2022. Theo số liệu thống kê của NMFS, nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ tháng 7/2022 đạt 276,1 nghìn tấn, trị giá 2,466 tỷ USD, giảm 5,1% về lượng và giảm 5,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ đạt 2,02 triệu tấn, trị giá 19,04 tỷ USD, tăng 8,2% về lượng và tăng 21,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Lạm phát, Hoa Kỳ chuyển sang tăng nhập khẩu thủy sản Việt Nam nhờ giá rẻ - Ảnh 2.

Nguồn: NMFS

Tháng 7/2022, nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ giảm so với cùng kỳ năm 2021 khi nhập khẩu tôm, mực, cua giảm mạnh. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu các mặt hàng này vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2021, trừ nhập khẩu cua giảm. Tôm là mặt hàng thủy sản nhập khẩu lớn nhất của Hoa Kỳ trong tháng 7/2022, đạt 72,5 nghìn tấn, trị giá 770,6 triệu USD, giảm 12,6% về lượng và giảm 14,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ đạt 544,07 nghìn tấn, trị giá 5,82 triệu USD, tăng 4,9% về lượng và tăng 10,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Nhập khẩu cá hồi của Hoa Kỳ trong tháng 7/2022 đạt 42,66 nghìn tấn, trị giá 533,78 triệu USD, tăng 0,1% về lượng và tăng 9,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu cá hồi của Hoa Kỳ giảm 0,2% về lượng, nhưng tăng 23,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 2 về lượng và lớn thứ 5 về trị giá cho Hoa Kỳ, đạt 199,1 nghìn tấn, trị giá 1,42 tỷ USD, tăng 25,5% về lượng và tăng 52,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần thủy sản Việt Nam tính theo trị giá trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng từ 5,9% trong 7 tháng đầu năm 2021 lên 7,5% trong 7 tháng đầu năm 2022. 7 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ từ Canada, thị trường cung cấp lớn nhất về trị giá, giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong khi nhập khẩu từ các thị trường khác đều tăng mạnh. Nhập khẩu thủy sản từ Canada giảm chủ yếu do sản phẩm thủy sản nước lạnh có mức giá cao hơn, trong khi nhu cầu các mặt hàng này giảm khi lạm phát tại Hoa Kỳ ở mức kỷ lục nhiều năm.

Lạm phát, Hoa Kỳ chuyển sang tăng nhập khẩu thủy sản Việt Nam nhờ giá rẻ - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của NMFS

Trước đó, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 8/2022 đạt 1 tỷ USD, tăng 6% so với tháng 7/2022 và tăng 69,3% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,6 tỷ USD, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định: Như vậy, sau khi giảm xuống mức dưới 1 tỷ USD trong tháng 7/2022, xuất khẩu thủy sản tháng 8/2022 đã tăng trở lại. Xuất khẩu thủy sản tháng 8/2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do năm 2021 các doanh nghiệp bị tác động bởi đợt phong tỏa phòng chống dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam trong tháng 8 và tháng 9.

Hiện Hoa Kỳ tiếp tục công nhận tương đương và bổ sung 6 doanh nghiệp, nâng tổng số lên 19 doanh nghiệp Việt Nam được phép chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá da trơn sang thị trường Hoa Kỳ. EU cũng công nhận bổ sung 14 doanh nghiệp, nâng tổng số lên 531 doanh nghiệp thuỷ sản được xuất khẩu vào thị trường EU.

Về tình hình xuất khẩu thuỷ sản những tháng cuối năm, các cơ quan chức năng đánh giá: Mặc dù giá nhiên liệu tăng nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn giữ được đà tăng trưởng. Với kim ngạch xuất khẩu khoảng 800-900 triệu USD/tháng, năm 2022 xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thể vượt mục tiêu 9 tỷ USD, khả năng cao đạt 10 tỷ USD.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục