Xuất khẩu Trung Quốc khó trở lại như ban đầu do bùng phát Covid-19?

09/03/2020 18:30 GMT+7
Các chuyên gia kinh tế nhận định, hai tháng đầu năm 2020 là khoảng thời gian đầu tiên trong 8 năm qua, Trung Quốc ghi nhận thâm hụt thương mại. Dù cho dịch Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát tại Trung Quốc, những tác động của nó chắc chắn sẽ để lại dư chấn trong nền kinh tế.

Kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu phục hồi sau nhiều tuần tê liệt tạm thời vì dịch Covid-19, nhưng dễ thấy, tốc độ phục hồi diễn ra khá chậm. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến năng lực sản xuất trong nước mà còn làm giảm lượng hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài. Kể cả trong trường hợp Trung Quốc sớm khôi phục hoàn toàn 100% năng lực sản xuất và xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu cũng khó trở lại tốc độ tăng trưởng ban đầu do nhu cầu trên thị trường quốc tế giảm mạnh vì sự bùng phát dịch Covid-19. Đó là nhận định của Orange Wang, nhà phân tích kinh tế vĩ mô có tiếng của Trung Quốc.

Cán cân thương mại phản ánh tổn thất cục bộ của kinh tế Trung Quốc do dịch virus corona - Ảnh 1.

Nhiều địa phương Trung Quốc đang nỗ lực phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau nhiều tuần trì trệ vì dịch virus corona

Nhu cầu quốc tế giảm sẽ gây áp lực giảm giá, tạo nên những dư chấn lớn hơn với nền kinh tế Trung Quốc vốn đã lao đao vì dịch virus corona. Các nhà kinh tế hiện đều thống nhất dự đoán tăng trưởng GDP quý I Trung Quốc giảm mạnh xuống dưới 4%.

Trước năm 1990, Trung Quốc không công khai số liệu tăng trưởng GDP hàng quý, nhưng cũng chưa từng báo cáo sự giảm tốc kể từ năm 1976, khi cách mạng Văn hóa kết thúc. Nhưng giờ đây, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, kinh tế Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ suy thoái. 

Hãy nhìn vào những con số thương mại biết nói để thấy nguy cơ lớn mà Trung Quốc phải đối mặt. Kim ngạch xuất khẩu trong hai tháng đầu năm 2020 của Trung Quốc giảm mạnh 17,2% so với cùng kỳ năm 2019 xuống 292,45 tỷ USD do sự trì trệ thương mại vì tác động của dịch virus corona cũng như kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài làm giảm sản lượng. Nhập khẩu chỉ giảm 4% xuống còn 299,54 tỷ USD, một phần do sự tăng đột biến các lô hàng thực phẩm và vật tư y tế.

Sự mất cân bằng cán cân thương mại như vậy đã gây nên khoản thâm hụt thương mại 7,09 tỷ USD cho Trung Quốc chỉ trong hai tháng đầu năm, mức thâm hụt đầu tiên kể từ năm 2012, theo dữ liệu của Tổng Cục Hải quan Trung Quốc. Trong cùng kỳ năm 2019, kim ngạch thương mại Trung Quốc không những không thâm hụt, mà còn thặng dư 41,45 tỷ USD.

Sự giảm mạnh các lô hàng xuất khẩu sang Mỹ dẫn đầu mức giảm chung của kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong hai tháng đầu năm giảm 27,7% xuống 42,97 tỷ USD. Bất chấp việc Mỹ tuyên bố giảm một nửa mức thuế 15% đánh lên 120 tỷ USD hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc như một phần thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, điều này không thể kích thích các chuyến hàng xuất khẩu từ Trung Quốc tăng lên trong bối cảnh dịch virus corona bùng phát.

Tuy nhiên, trái với sự giảm mạnh các lô hàng xuất khẩu sang Mỹ, các lô hàng nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc lại tăng 2,5% lên 17,59 tỷ USD, dẫn đến tổng kim ngạch thương mại Mỹ Trung chỉ giảm nhẹ so với mức dự báo giảm 16% của các nhà phân tích. Mức tăng các lô hàng nhập khẩu từ Mỹ là do Bắc Kinh đẩy mạnh nhập hàng nông sản, thực phẩm và vật tư y tế từ nước ngoài để bù đắp nguồn cung thiếu hụt trong nước.

Số liệu được Tổng cục Hải quan công bố hôm 7/3 cho thấy kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm thịt vào Trung Quốc trong hai tháng đầu năm tăng 120,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 4,64 tỷ USD trong khi kim ngạch nhập khẩu đậu nành tăng 14,2% lên 13,52 triệu tấn. Sự gia tăng nhập khẩu thịt là không bất ngờ, bởi ngành công nghiệp thịt Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu cung nặng nề sau cơn sốt dịch tả lợn Châu Phi khiến hơn 200 triệu con lợn ở Trung Quốc bị tiêu hủy. 

Nhìn chung, ông Liang Zhonghua, nhà phân tích vĩ mô tại Viện nghiên cứu chứng khoán Zhongtai Trung Quốc nhận định: “Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm mạnh là lực cản chính gây nên thâm hụt thương mại”.

Tuy nhiên, theo ông Liang, những con số kim ngạch thương mại hai tháng đầu năm chưa thể phản ánh đầy đủ tác động của sự bùng phát dịch Covid-19 với kinh tế Trung Quốc. “Những tác động của dịch bệnh với cán cân thương mại sẽ càng rõ ràng hơn trong các số liệu xuất nhập khẩu tháng 3”.

Một nguyên nhân khác khiến tăng trưởng GDP Trung Quốc giảm mạnh là sự sụt giảm trong chi tiêu tiêu dùng. Chi tiêu tiêu dùng hiện là động lực đóng góp chính vào tăng trưởng kinh tế hơn cả kim ngạch xuất khẩu. Ngay cả trong trường hợp các lô hàng xuất khẩu phục hồi nhanh chóng, điều này không thể bù đắp mức giảm chi tiêu của cá nhân và hộ gia đình trong nhiều tháng bị “cách ly” vì dịch virus corona. Thêm vào đó, việc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, người lao động không thể trở lại làm việc trong nhiều tuần cũng khiến họ không có thu nhập để chi trả cho các hoạt động mua sắm và giải trí.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục