Lạng Sơn: Xuất khẩu 460 tấn thanh long qua ga Quốc tế Đồng Đăng
Thống kê của Chi cục Hải quan Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng cho thấy từ ngày 4/2 đến nay, đơn vị đã làm thủ tục cho 260 toa tàu trở hàng xuất nhập khẩu với hàng chục nghìn tấn hàng được thông quan, chủ yếu là các mặt hàng quặng sắt, thép tấm, thép tròn, than điện cực và nông sản.
Đặc biệt, ngày 11 và 19/2/2020, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc, Chi cục Hải quan Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng đã thực hiện thí điểm xuất khẩu được 27 toa nông sản (thanh long quả tươi, tương đương khoảng 460 tấn từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đây được cho là hướng đi mới, mở ra cơ hội để các mặt hàng nông sản của Việt Nam sớm được xuất khẩu sang Trung Quốc một cách nhanh chóng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Theo đề nghị của phía Trung Quốc, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với phía bạn triển khai thí điểm việc thông quan xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua Cửa khẩu đường sắt Ga quốc tế Đồng Đăng. Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn thông tin: Đây là lần đầu tiên, Lạng Sơn và Quảng Tây phối hợp thực hiện thông quan hàng nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng. Đến nay, hai bên đã thực hiện cho thông quan được 27 toa xe thanh long, do các doanh nghiệp Việt Nam vận chuyển từ phía Nam ra Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Việc xuất khẩu nông sản qua Cửa khẩu đường sắt Ga quốc tế Đồng Đăng, được đánh giá là một giải pháp tối ưu, hiệu quả nhất hiện nay, mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động khiến xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu đường bộ gặp khó khăn.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn khẳng định, thông quan nông sản xuất khẩu qua Cửa khẩu đường sắt Ga quốc tế Đồng Đăng không chỉ góp phần kiểm soát hiệu quả nguy cơ dịch bệnh Covid-19, do không phải tổ chức cách ly các tài xế (xe ô tô), chủ hàng… khi vận chuyển hàng hóa theo đường bộ sang Trung Quốc quay về. Số lượng người tham gia vào các hoạt động xuất khẩu theo tuyến đường sắt ít, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh (nếu có) cũng hạn chế; đồng thời, giảm được chi phí vận chuyển và các chi phí khác cho doanh nghiệp so với xuất khẩu theo cửa khẩu đường bộ. Thời gian thông quan qua cửa khẩu đường sắt nhanh hơn vì thủ tục được giải quyết ngay từ trong khu vực nội địa.
Ông Phan Hồng Tiến, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng cho biết: Các cơ quan chức năng của Lạng Sơn và Quảng Tây (Trung Quốc) thường xuyên trao đổi, thống nhất các biện pháp vừa chống dịch vừa tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Kể từ ngày 5/2, thông quan xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Hữu Nghị đã được nối lại, nhưng tốc độ chậm. Tỉnh Lạng Sơn đã trao đổi với tỉnh Quảng Tây cho điều chỉnh qui trình giao nhận hàng hóa, đề xuất cho xe của Trung Quốc sang Lạng Sơn (khu vực kiểm hóa ở Cửa khẩu Hữu Nghị) nhận nông sản nhập khẩu (hàng xuất khẩu của Việt Nam), nhờ vậy đã tăng dần được năng lực thông quan nông sản xuất khẩu qua Cửa khẩu Hữu Nghị.
Ngày 20/2, Trung Quốc cũng đã mở lại việc thông quan hàng hóa qua cửa khẩu phụ Tân Thanh. Tuy nhiên, do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, phía bạn mới mở lại hình thức trao đổi tiểu ngạch có hợp đồng giao nhận, chưa mở lại hình thức trao đổi hàng hóa cư dân biên giới, nên tốc độ thông quan qua Cửa khẩu phụ Tân Thanh còn rất chậm, hiện mới chỉ đạt bình quân khoảng 10 xe hàng xuất khẩu/ngày.
Để tăng năng lực thông quan hàng hóa xuất khẩu qua Cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn cũng đã đề nghị phía Trung Quốc cho xe sang khu vực kiểm hóa tại Cửa khẩu Tân Thanh để nhận nông sản nhập khẩu (hàng xuất của Việt Nam) trên cơ sở tuân thủ các qui định chống dịch của hai bên. Nếu phía bạn chấp thuận, tốc độ thông quan hàng hóa nông sản xuất khẩu trong những ngày tới qua Cửa khẩu phụ Tân Thanh sẽ được nhanh hơn.