Lãnh đạo GIL nói gì về phương án phát hành riêng lẻ 16,8 triệu cp giá bán 35.000 đồng/Cp
Cổ phiếu GIL lao dốc
Cụ thể, tại phần thảo luận tại đại hội, cổ đông 3777 đã đề cập đến việc giá phát hành 35.000 đồng/cp là quá rẻ và đề xuất xem xét chuyển sang phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu, đại diện GIL đã lên tiếng làm rõ vấn đề.
Đại diện GIL cho biết, trước khi trình Đại hội, Công ty đã làm việc với tư vấn để có phương án đưa ra giá phát hành phù hợp trình ĐHĐCĐ. Để xác định giá nào là không rẻ thì sẽ có rất nhiều ý kiến. Do đó, Công ty trình giá này để cổ đông cho ý kiến và phải được ĐHĐCĐ thông qua thì Công ty mới có thể thực hiện.
Việc xác định điều kiện hạn chế chuyển nhượng 3 năm là Công ty nhận thấy phù hợp với mục đích phát hành. Tuy nhiên, mỗi cổ đông sẽ có ý kiến khác nhau. Ngoài việc hạn chế chuyển nhượng 3 năm, cổ đông còn phải gắn bó đi cùng với GIL trong quá trình thực hiện các dự án của Công ty như chuỗi khu công nghiệp, khách sạn.
"Tất cả các cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư mới nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn này thì GIL sẵn sàng phát hành cho cổ đông đó. Ngoài giá phát hành thì Công ty còn cần nhiều yếu tố quan trọng khác để đáp ứng được điều kiện nhà đầu tư chiến lược", đại diện GIL nhấn mạnh.
Tiếp đó, cổ đông 347 cho rằng, việc phát hành quá gần ngày đại hội (ngày 20/5). Do đó, cổ đông 347 đề nghị GIL làm rõ vấn đề này và tiêu chí xác định nhà đầu tư chiến lược của Công ty là gì?
Phía GIL cho hay, theo quy định của pháp luật, Công ty phải công bố thông tin tài liệu trước 21 ngày so với Đại hội, bất cứ tài liệu, chương trình họp có thay đổi gì phải cập nhật, bổ sung.
Do đó, việc cập nhật tài liệu họp là phù hợp theo quy định. Về tiêu chí nhà đầu tư chiến lược, GIL chia sẻ khi nào ĐH thông qua thì Công ty mới xây dựng tiêu chí và trình Ủy ban chứng khoán phê duyệt, khi đó Công ty mới được phát hành.
Trước đó, ngày 20/5, GIL đã công bố tờ trình phát hành riêng lẻ 16,8 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư, tương đương mức tăng vốn 168 tỷ đồng. Mục đích nhằm bổ sung cho nguồn vốn hoạt động, kinh doanh của công ty.
Đáng chú ý, giá chào bán riêng lẻ 16,8 triệu cổ phiếu GIL lần này chỉ ở mức 35.000 đồng/cố phiếu, đây là mức giá rất thấp so với thị giá của GIL trên thị trường.
Từ khi thông tin chưa được công bố chính thức, biến động của cổ phiếu GIL trên TTCK đã có xu hướng đảo chiều với lượng bán ra mạnh, thị giá liên tục giảm trong vài phiên trở lại đây. Từ vùng giá 80.000 đồng/cp trong tuần trước, kết thúc phiên giao dịch ngày 25/5, cổ phiếu GIL còn 62.500 đồng/cp.
Kinh doanh khởi sắc, GIL làm ít nhất 5 KCN
Đầu năm 2021, giá cổ phiếu GIL đã tăng từ mức giá 40.000 đồng và lập đỉnh lịch sử tại 80.000 đồng trong phiên 13/5. Đà tăng mạnh mẽ của GIL bắt nguồn từ kết quả kinh doanh khởi sắc.
Kết thúc năm 2020, Gilimex đạt doanh thu 3.456,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 308 tỷ đồng, lần lượt tăng 36% và gần 92% so với thực hiện trong năm 2019. Lợi nhuận thực tế đã gấp 2,9 đến 3,2 lần mục tiêu đề ra.
Báo cáo tài chính quý I/2021 của Gilimex cũng cho thấy sự tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận. Doanh thu trong quý đạt 864 tỷ đồng, tăng gần 20% so với quý I/2020, lãi sau thuế tương ứng tăng 67% lên 71,9 tỷ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2021, GIL cũng đã thống nhất kế hoạch doanh thu đạt 3.000 tỷ, lãi vào mức 180 tỷ, 42% so với thực hiện năm trước.
Bên cạnh đó, GIL sẽ làm ít nhất 5 KCN, hiện Công ty chưa thể công bố chính xác thông tin các KCN còn lại nhưng KCN Phú Bài dự kiến quý 4/2021 sẽ có nhà đầu tư thứ cấp vào.
Về dịch vụ phục vụ KCN, hiện Công ty con của GIL đang sở hữu khu đất nằm cạnh KCN, Những khu đất này từ 3,000 m2 trở lên và sẽ làm khách sạn, dịch vụ xung quanh KCN để phục vụ các chuyên gia trong nước và các chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại KCN. Đơn vị này hiện đang làm thiết kế khách sạn đầu tiên ở Trung tâm tỉnh Bình Dương.