Lãnh đạo Nhật - Hàn gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, triển vọng "phá băng" thương chiến

04/11/2019 18:37 GMT+7
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 4/11 trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa ngỏ lời đề nghị thiết lập một cuộc hội đàm cấp cao để giải quyết xung đột thương mại và chính trị với quốc gia láng giềng.
Lãnh đạo Nhật - Hàn gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, triển vọng "phá băng" thương chiến - Ảnh 1.

Thương chiến Nhật Hàn có triển vọng phá băng sau cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

Hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đã gặp gỡ nhau trong một cuộc thảo luận kéo dài 11 phút bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đông Nam Á (ASEAN) đang diễn ra tại Bangkok, Thái Lan. Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Ko Min-jung sau đó tiết lộ hai vị nguyên thủ đã đi đến sự nhất trí về tầm quan trọng trong việc nối lại mối quan hệ chính trị - thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời tái khẳng định nguyên tắc giải quyết các vấn đề song phương thông qua đối thoại.

Trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đề xuất tiến tới các cuộc hội đàm cấp cao để giải quyết xung đột đang làm đóng băng quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia láng giềng. Đáp lại thông điệp của ông Moon, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết sẽ dùng mọi phương tiện sẵn có để tìm kiếm một hướng đi mới làm dịu căng thẳng hiện tại.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương Nhật Hàn gần như đóng băng sau khi tòa án Hàn Quốc năm 2018 yêu cầu một công ty Nhật Bản bồi thường hàng tỷ won cho người lao động Hàn Quốc bị lạm dụng từ hồi thế chiến. Khi căng thẳng lan rộng sang lĩnh vực an ninh và thương mại, phía Nhật Bản đã gạch tên Hàn Quốc khỏi danh sách trắng các đối tác thương mại tin cậy, đồng thời hạn chế xuất khẩu 3 loại hóa chất quan trọng dùng trong ngành công nghiệp chế tạo chip bán dẫn bao gồm fluorinated polyamides, chất phản quang và hydro florua.

Để trả đũa hành động của Nhật Bản, Hàn Quốc sau đó tuyên bố đặt dấu chấm kết cho Thỏa thuận An ninh chung về Thông tin quân sự (GSOMIA) với quốc gia láng giềng, đẩy căng thẳng Nhật Hàn lên đỉnh điểm. Dù phía Hàn Quốc sau đó đưa ra lý do cho việc đình chỉ thỏa thuận GSOMIA là “không phù hợp với lợi ích quốc gia” khi duy trì thỏa thuận trao đổi thông tin tình báo nhạy cảm, nhưng Nhật Bản vẫn chỉ trích mạnh mẽ và tuyên bố Hàn Quốc đã đánh giá sai lầm tình hình an ninh thông qua động thái như vậy.

Thương chiến Nhật Hàn đã khiến nền kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc đồng thời lao đao. Theo dữ liệu thống kê, Hàn Quốc hiện là đối tác lớn thứ 3 của Nhật Bản, với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa khoảng 54 tỷ USD mỗi năm; đóng vai trò quan trọng trong dây chuyền xuất khẩu ô tô, linh kiện máy móc công nghệ cao và hóa chất. Do đó, việc hạn chế xuất khẩu hàng loạt hóa chất quan trọng không chỉ khiến lĩnh vực sản xuất con chíp của Hàn Quốc lao đao mà còn làm tổn thương nặng nề chính công ty xuất khẩu Nhật Bản. Ở chiều ngược lại, việc phía Hàn Quốc cũng bị tổn thất nghiêm trọng do chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghệ có nguy cơ bị phá vỡ. 

Sau khi kim ngạch xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề do thương chiến, kéo theo thực trạng kinh tế giảm tốc, chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây có dấu hiệu bày tỏ thiện chí giải quyết xung đột trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai bên. 

Hồi tháng 10, Tổng thống Moon Jae-in đã ủy quyền cho Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon trong chuyến thăm tới Tokyo với thông điệp hàn gắn quan hệ Nhật - Hàn. Tuy nhiên thời điểm đó, cuộc thảo luận giữa hai quốc gia láng giềng đạt được rất ít tiến bộ do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe duy trì quan điểm vấn đề cưỡng bức lao động thời thế chiến đã được giải quyết triệt để sau Hiệp ước bình thường hóa quan hệ hồi năm 1965, đồng thời kêu gọi tòa án tối cao Hàn Quốc hủy bỏ mọi phán quyết yêu cầu công ty Nhật Bản bồi thường.

Cuộc gặp gỡ của hai nhà lãnh đạo hôm 4/11 mới đây được xem là động thái phá băng trong quan hệ Nhật Hàn, hứa hẹn những cuộc đối thoại tiến bộ nhằm chấm dứt xung đột thương mại kéo dài lâu nay giữa hai quốc gia láng giềng.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục