Lo Trung Quốc khó tuân thủ thỏa thuận giai đoạn 1, Donald Trump tiếp tục viện trợ cho nông dân Mỹ
Tổng thống Donald Trump hồi đầu tuần khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh gói hỗ trợ, vốn đã lên đến 28 tỷ USD cho người nông dân trong bối cảnh dịch virus corona có nguy cơ bùng phát trên toàn cầu. Theo ông này, chính phủ nên hỗ trợ nông dân ngay cả khi các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, Mexico, Canada… có hiệu lực.
Phát biểu này của ông Trump được coi là động thái mới trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều dấu hiệu đáng lo ngại về việc Bắc Kinh không thể thực hiện 100% những gì đã cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 khi dịch virus corona tàn phá nền kinh tế nước này. Tuần trước, Bộ Nông Nghiệp Mỹ ước tính rằng Trung Quốc có thể sẽ chỉ mua khoảng 14 tỷ USD các sản phẩm nông nghiệp Mỹ cho đến cuối tháng 9/2020, đồng nghĩa với việc kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc trong cả năm có thể không đạt được mức 40 tỷ USD như ông Trump hứa hẹn trước đó.
Ông Trump hiện nhận được nhiều sự ủng hộ chính trị từ nông dân Mỹ sau thành công của thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1, nhưng các quan chức Nhà Trắng đang thể hiện quan ngại về kim ngạch xuất khẩu nông sản có thể không đạt mức kỳ vọng, đẩy người nông dân vào tình trạng vỡ nợi. USDA công bố số nợ trong lĩnh vực nông nghiệp hiện ở mức 425 tỷ USD trong năm nay, mức cao nhất trong lịch sử.
Vào năm 2019, 595 nông trại gia đình ở Mỹ bị phá sản. Giá trị xuất khẩu nông sản chưa có chiều hướng đi lên kể từ thời điểm ông Trump kí thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, Canada và Mexico. Trump gần đây hứa hẹn một cuộc cải tổ nông nghiệp triệt để bằng việc khuyến khích người nông dân mua máy kéo lớn hơn và nhiều đất nông nghiệp hơn khi Trung Quốc đồng ý tăng gần gấp đôi kim ngạch nhập khẩu nông sản Mỹ. Người nông dân Mỹ trái lại cảm thấy khá căng thẳng với cam kết của Bắc Kinh. Theo họ, thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nên đi kèm với trật tự thương mại thay vì động cơ chính trị.
Gói viện trợ lần thứ 3 trị giá hàng tỷ USD có thể phá hủy viễn cảnh thỏa thuận thương mại tốt đẹp ông Trump đạt được với Trung Quốc vào tháng trước, đây cũng đồng thời là chìa khóa của ông Trump trong chiến dịch bầu cử sắp tới với lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, bùng nổ dịch virus corona giáng đòn nặng nề lên nền kinh tế Trung Quốc vô hình chung khiến nông dân Mỹ đối diện khó khăn hơn.
Chương trình viện trợ trang trại bắt đầu từ năm 2018 nhằm xoa dịu người nông dân Mỹ khi nhiều ý kiến cho rằng chiến tranh thuế quan với Trung Quốc làm thiệt hại hàng tỷ USD thu nhập của nông dân. Chương trình này tiếp tục vào năm 2019, nhưng Nhà Trắng khuyến nghị khai tử chương trình này vào năm 2020 khi thỏa thuận giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc được ký kết.
Đại diện hiệp hội nông dân Mỹ Roger Johnson cho rằng đây chẳng qua là động thái gắn với kì bầu cử tổng thống sắp tới, trong khi người nông dân vẫn đang phải đối mặt với những vấn đề lâu dài như chiến tranh thương mại, thảm họa thiên nhiên, giá trị hàng hóa thấp…
Thực tế, năm viện trợ thứ ba phản ánh thử thách ngày càng gia tăng ông Trump phải đối mặt, nhất là trong thương chiến quốc tế. Trong năm thứ hai ở Nhà Trắng, ông này đưa ra mức thuế mới với hàng loạt sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có thép, nhằm gây sức ép lên chính phủ Trung Quốc để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Mỹ. Trung Quốc chống trả bằng việc nhắm vào nhà sản xuất nông nghiệp Mỹ.
Trump liên tục khẳng định nguồn viện trợ được trích từ thuế với các quốc gia khác, tuy nhiên nhiều chuyên gia tài chính cho rằng điều này hoàn toàn thiếu cơ sở. Thuế đánh vào các nhà nhập khẩu Mỹ được áp dụng trực tiếp vào mức giá cao hơn mà người tiêu dùng nước này phải chi trả. Trong khi ông Trump cho rằng thương chiến sẽ đem lại nhiều lợi ích cho kinh tế Mỹ, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, đặc biệt là nông dân đang chịu tổn thương nặng nề.
Zippy Duvall, chủ tịch Liên đoàn Trang trại Mỹ, bày tỏ thái độ tích cực khi cho rằng Trung Quốc sẽ tăng mua hơn 14 tỷ USD vào các sản phẩm nông nghiệp Mỹ, theo cuộc gặp của ông này với Bộ trưởng Bộ nông nghiệp Trung Quốc, tuy nhiên kết quả cuộc gặp này chưa thực sự rõ ràng. Động thái mới của ông Trump là dấu hiệu cảnh báo Trung Quốc rằng Nhà Trắng sẽ không kiên nhẫn chờ đợi Bắc Kinh tuân theo thỏa thuận thương mại do việc Trung Quốc gia tăng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp là phần tối quan trọng trong thoả thuận thương mại giữa hai nước. Dù mức viện trợ mới là cần thiết để giúp người nông dân tiếp tục sản xuất, họ không che giấu kì vọng sớm bán cá sản phẩm của mình thay vì phụ thuộc vào viện trợ của nhà nước. Nếu không có thị trường, người nông dân Mỹ sẽ không có mức thu nhập ổn định.