Loại quả bình dân nhưng thay đổi số phận cả một vùng

11/07/2020 16:50 GMT+7
Khi nhắc đến những vùng hoa quả đặc sản, ta thường nghĩ ngay đến cam sành Hàm Yên, vải Lục Ngạn, nhãn Hưng Yên, ,… mà quên mất rằng ngay ở Hà Nội cũng có những cây trồng làm nên tên tuổi một vùng: ổi Đông Dư

Đứng trên triền đê sông Hồng nhìn ra xa là cả một màu xanh ngút ngàn của cây ổi. Những ngày này, làng Đông Dư dường như bận rộn hơn để chăm sóc những cây ổi, chuẩn bị cho vụ thu hoạch vào tháng 8 tới.

Loại quả bình dân nhưng thay đổi số phận cả một vùng - Ảnh 1.

Ổi Đông Dư khi chín ăn giòn, ngọt và có hương thơm rất đặc biệt.

Đến thăm nhà bà Hoàng Thị Sợi, một người cao tuổi trong xã với hơn 10 năm trồng ổi, bà chia sẻ: "Hiện nhà tôi có 3 sào trồng ổi, chỉ có một mình tôi làm, các con thì đi làm công nhân hết. Mà chỉ còn người già trồng ổi, chứ lớp trẻ lên thành phố làm hết.

Trước tôi trồng rau mùi tàu, sau này chuyển sang trồng ổi. Bây giờ thì sức khỏe yếu rồi, nên chắc hết vụ này cũng nghỉ. Được cái ổi dễ trồng, một năm được 2-3 mùa. Mất giá thì 5.000 – 8.000 đồng/kg, được giá thì 15.000 – 20.000 đồng/kg. Một năm cũng được 20-30 triệu, đủ trang trải cuộc sống bình thường".

Một vùng dân nghèo, trước chỉ quanh quẩn bên cây lúa, ăn không đủ no chứ đừng nói gì đến tích lũy, nay bước sang trang mới là nhờ một phần rất lớn công của ông Nguyễn Văn Tẻo. 

Ông là người mang giống ổi từ Hưng Yên về trồng trên vườn nhà mình, sau đó thấy hiệu quả kinh tế cao mới chiết cành để các hộ dân khác trong thôn cùng trồng. Vậy là từ một vùng chuyên trồng rau thơm, mùi tàu, đến nay khoảng 90% diện tích đã trồng ổi găng.

Loại quả bình dân nhưng thay đổi số phận cả một vùng - Ảnh 2.

Ổi Đông Dư đã khiến cuộc sống của người dân khấm khá lên rất nhiều.

Ông Nguyễn Đức Ca – một trong số người có diện tích trồng ổi lớn nhất thôn cho biết, so với đặc sản cam sành của Hưng Yên thì cây ổi hơn nhiều. Thứ nhất là công chăm sóc ít chỉ cần cắt tỉa cành, không cần phân đạm, thuốc sâu.

Thứ hai, đây là loại quả dân dã, ai cũng có thể mua được. Nên giá không bị quá thấp. Nếu bán lẻ có thể lên tới 25.000 – 30.000 đồng/kg. Hiện ông có khoảng 10.000 m2, cây mới chỉ khoảng 4-5 năm, còn cây cũ đã 10-15 năm. Đặc thù của cây là già quá chết, khoảng 15 năm chứ chết vì sâu bệnh rất ít.

Thứ ba là cam chỉ có một mùa, còn ổi là quanh năm.

Dân Đông Dư mở mặt ra là do cây ổi, chứ trước rất nghèo. Nhà nào ít thì một năm vài chục triệu, nhiều thì lên tới cả trăm triệu. Như nhà ông Ca một năm thu được chục tấn, giá 10.000 đồng/kg thì cũng được gần trăm triệu đồng.

Gần như gia đình nào thôn Đông Dư cũng trồng ổi. Hương thơm dịu nhẹ bay xa, mang theo sự thay đổi của một vùng quê nghèo. Người dân ở đây cần cù, chịu khó, đã tích góp và xây được những ngôi nhà khang trang.

Loại quả bình dân nhưng thay đổi số phận cả một vùng - Ảnh 3.

Nghề trồng ổi đang dần được chuyên nghiệp hóa theo những quy chuẩn trong nông nghiệp.

Chia sẻ với phóng viên Etime, Bà Hoàng Thị Nhinh - Phó Giám Đốc hợp tác xã Đông Dư cho biết: "Diện tích trồng ổi trong xã những năm trước là 180 ha, đến bây giờ là 105,4 ha. Hiện hợp tác xã đang hướng người dân trồng theo những quy chuẩn Vietgap, PGS, tổng diện tích đã được 60ha. Diện tích còn lại tiếp tục trồng theo quy trình nông sản sạch.

Đối với các hợp tác xã nông nghiệp, vốn, trình độ tiếp thu khoa học công nghệ và cơ sở vật chất là những trở ngại lớn nhất. Trước tôi cũng đã hợp tác với xã Đồng Dao để thu mua những quả chín, ép lấy nước. Nhưng tỉ lệ nước lấy được ít, mà giá thành sẽ cao hơn so với những sản phẩm nước ngọt công nghiệp nên rất khó tiêu thụ".

Hiện người dân sử dụng ổi để ngâm rượu, sử dụng quả tươi hoặc tự ép nước. Lá ổi thì cũng có người thu mua, phơi khô để làm chè búp ổi, nhưng tỉ lệ vẫn còn khá thấp. 

Phần lớn quả sẽ được chuyển đến các siêu thị, một phần sẽ được đóng đá 40 kg/ thùng để các doanh nghiệp mang đi khắp các tỉnh thành.

Trong tương lai, Hợp tác xã Đông Dư tiếp tục hỗ trợ người dân sản xuất theo quy trình PGS, hỗ trợ tổ nhóm hoạt động, nhắc nhở hộ nông dân vệ sinh đồng ruộng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép. 

Ngoài ra, hợp tác xã cũng kết hợp với các bên hỗ trợ người dân cải tạo đất ở những vùng trồng lâu để nâng cao năng suất cây trồng, hạn chế sâu bệnh.

Mai Trang
Cùng chuyên mục