Loạt giao dịch nghìn tỷ quanh lô đất hơn 6.000 m2 bị TP.HCM thu hồi
UBND TP.HCM vừa có quyết định về việc thu hồi đất tại số 33 đường Nguyễn Du và số 34-36-42 đường Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, quận 1) do Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Xây dựng Việt Hân Sài Gòn nhận chuyển nhượng từ Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2).
Lô đất có diện tích 6.274,5 m2 từng thuộc sở hữu của Vinafood 2 trước khi trở thành đất tư nhân sau một loạt giao dịch nghìn tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ từng chỉ ra loạt giao dịch chuyển nhượng vốn lòng vòng giữa các cổ đông Công ty Việt Hân Sài Gòn (chủ sở hữu lô đất) để nâng giá trị cổ phần tại doanh nghiệp này cũng như chuyển 100% vốn sở hữu sang vốn tư nhân.
Giao dịch nghìn tỷ quanh lô “đất vàng”
Cụ thể, sau khi Vinafood 2 đề xuất và được chấp thuận chuyển mục đích sử dụng lô đất hơn 6.000 m2 này từ đất sản xuất, kinh doanh sang đất xây dựng khách sạn cao cấp, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại cho thuê. Năm 2015, Hội đồng Thành viên Vinafood 2 đã ban hành nghị quyết thống nhất chủ trương cho phép liên kết với Công ty CP Thương mại, Quảng cáo, Xây dựng, Địa ốc Việt Hân thành lập công ty TNHH hai thành viên để thực hiện dự án - Công ty Việt Hân Sài Gòn.
Theo thỏa thuận, tỷ lệ sở hữu của Vinafood 2 tại pháp nhân mới là 20%, được góp vốn bằng toàn bộ giá trị tài sản trên đất và một phần giá trị quyền sử dụng đất của lô đất này. Trong khi phía Công ty Việt Hân góp 80% bằng tiền mặt dùng để triển khai dự án.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ chỉ ra từ năm 2004 đến năm 2015, Vinafood 2 chưa lập phương án bồi thường di dời các hộ dân đang sống trên đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo chỉ đạo. Đồng thời, công ty này cũng chưa làm thủ tục xin đầu tư dự án, trong khi khả năng tài chính của Vinafood 2 và Công ty Việt Hân Sài Gòn yếu kém (thể hiện tại các bản báo cáo tài chính, báo cáo kế toán từ năm 2015 đến tháng 3/2019 của hai đơn vị).
Sau giai đoạn này, ngày 30/12/2015, Vinafood 2 đã ký hợp đồng bán hết phần vốn góp bằng tiền mặt 160 tỷ đồng tại Việt Hân Sài Gòn cho Công ty Việt Hân (tự gọi là thoái vốn) khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đến ngày 29/1/2016, Sở kế hoạch đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 1 cho Công ty Việt Hân Sài Gòn, trong đó chuyển doanh nghiệp thành công ty một thành viên nhưng vẫn giữ tên cũ và giữ nguyên vốn điều lệ 800 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông công ty đã không còn tên của Vinafood 2.
Đến ngày 30/1/2016, tức chỉ một ngày sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới, Công ty Việt Hân đã chuyển nhượng ngang giá 99% vốn góp (792 tỷ đồng) trong Công ty Việt Hân Sài Gòn cho bà Hoàng Ngọc Cẩm Hồng và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần 2 vào ngày 2/2/2016. Trong đó, vốn điều lệ công ty vẫn là 800 tỷ đồng, bà Cẩm Hồng nắm giữ 99% vốn, còn Công ty Việt Hân nắm 1%.
Tương tự giao dịch đầu, chỉ một ngày sau khi được cấp giấy đăng ký kinh doanh thay đổi lần 2 (3/2/2016), bà Cẩm Hồng đã chuyển nhượng toàn bộ 99% phần vốn này cho Công ty CP Bất động sản Mùa Đông. Tuy nhiên, giá trị chuyển nhượng ghi trong hợp đồng đã tăng từ 792 tỷ lên 1.980 tỷ đồng. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM sau đó cũng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần 3 cho Công ty Việt Hân Sài Gòn với với điều lệ không đổi.
Những chủ nhân cuối cùng
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ xác định trong 3 ngày làm việc (từ 30/1 đến 3/2/2016), bà Hồng đã sử dụng hộ chiếu quốc tịch Việt Nam, để nhập cảnh và thực hiện đăng ký thay đổi thành viên góp vốn tại Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc nhận chuyển nhượng rồi chuyển nhượng 99% vốn góp tại Công ty Việt Hân Sài Gòn với tư cách là công dân Việt Nam để không phải áp dụng các thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, khi khai thuế thu nhập thì cá nhân này lại dùng quốc tịch nước ngoài để được áp dụng thuế suất cho cá nhân không cư trú là 0,1% trên giá chuyển nhượng vốn.
Theo xác nhận của Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), bà Hồng đã xuất cảnh từ ngày 10/2/2016, nhưng trong ngày 15/2/2016, cá nhân này lại ký lập 9 ủy nhiệm chi tại ngân hàng với tổng số tiền 792 tỷ đồng để chuyển tiền vào tài khoản của Công ty Việt Hân. Cũng trong ngày 15/2/2016, Công ty Bất động sản Mùa Đông lập 20 ủy nhiệm chi (một số ủy nhiệm chi có cùng nét chữ với 9 ủy nhiệm chi do bà Hồng thực hiện) với tổng số tiền 1.683 tỷ đồng chuyển vào tài khoản của bà Hồng. Các giao dịch kể trên là để chuyển tiền mua 99% vốn góp tại Công ty Việt Hân Sài Gòn.
Sau khi trở thành cổ đông nắm giữ 99% vốn tại Việt Hân Sài Gòn, Công ty Bất động sản Mùa Đông cùng với Công ty Việt Hân đã thực hiện chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn góp tại đây sang hai pháp nhân mới là Công ty CP Saigon Dimension (60%) và Công ty Đầu tư BOB (40%).
Giá trị chuyển nhượng ghi trong hợp đồng theo đó tăng lên tương ứng từ 1.980 tỷ đồng lên 2.250 tỷ đồng.
Như vậy, Saigon Dimension và Đầu tư BOB chính là hai chủ nhân cuối cùng của lô đất hơn 6.000 m2 tại quận 1 trước khi bị UBND TP.HCM ra quyết định thu hồi.
Theo tìm hiểu, cả hai doanh nghiệp này đều có trụ sở đặt tại lầu 2, tòa nhà số 3-5-7 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Trong đó, Đầu tư BOB được thành lập từ tháng 8/2015 còn Saigon Dimension được thành lập từ tháng 10 cùng năm.
Tuy nhiên, theo báo cáo kết quả kinh doanh những năm gần đây, cả 2 doanh nghiệp này dù có vốn điều lệ hàng trăm tỷ đồng nhưng lại không ghi nhận bất kỳ khoản doanh thu nào từ hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, lợi nhuận của hai công ty này đều đặn báo số âm hàng chục tỷ đồng.
đất vàng tp.hcm vinafood 2 Tp. Hồ Chí Minh công ty việt hân việt hân sài gòn thanh tra chính phủ đinh trường chinh bất động sản đất công đất tư