Lộc Trời (LTG) báo lãi quý III/2022 gấp đôi lên 64 tỷ đồng, nợ vay chiếm hơn nửa nguồn vốn
Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) đã công bố BCTC hợp nhất quý III/2022 với doanh thu thuần 2.736 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tăng 39%, lên gần 492 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh 90%, còn gần 2 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính tăng 38%, lên gần 111 tỷ đồng, bao gồm hơn 66 tỷ đồng chi phí lãi vay.
Chi phí bán hàng tăng 8% lên 186,4 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 58% lên gần 104 tỷ đồng (tăng 58%).
Kết quả, LTG báo lãi gần 64 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Kết quả này cũng đã cải thiện đáng kể so với khoản lỗ ròng gần 46 tỷ đồng trong quý trước đó.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, Lộc Trời ghi nhận doanh thu tăng 21% lên 8.630 tỷ đồng, lãi ròng hơn 203 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ. Về cơ cấu doanh thu, mảng thuốc bảo vệ thực vật mang về hơn 2.980 tỷ đồng (chiếm 34%); thu từ hạt giống cây trồng gần 475 tỷ đồng (chiếm 5%) và các doanh thu khác…
Năm 2022, LTG đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với thực hiện năm 2021. Sau 9 tháng, LTG thực hiện được gần 51% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính tới ngày 30/09/2022, tổng tài sản của LTG tăng 21% lên 9.513 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với đầu năm. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn hơn 2.967 tỷ đồng, chiếm 31% tổng tài sản; hàng tồn kho 3.460 tỷ đồng, chiếm 36%; tài sản cố định gần 1.534 tỷ đồng (chiếm 16%) và các tài sản khác.
Trong kỳ, tiền và các khoản tiền tương đương giảm hơn 55% (đạt hơn 806 tỷ đồng); phải thu ngắn hạn của khách hàng cao gấp hơn 2.3 lần (đạt hơn 2,053 tỷ đồng); phải thu về cho vay gấp 13.2 lần (từ 500 triệu đồng lên 6.6 tỷ đồng); phải thu ngắn hạn khác tăng 16% (gần 813 tỷ đồng).
Sắp tới Lộc Trời trả cổ tức năm 2021 bằng tiền, tỷ lệ 20%, nghĩa là một cổ phiếu được nhận 2.000 đồng. Với hơn 80 triệu cổ phiếu đang lưu hành, LTG cần chi 160 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức.
Ngày 13/10 là ngày đăng cuối cùng để nhận cổ tức năm 2022, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 12/10. Thời gian thanh toán dự kiến là ngày 14/11.
Theo thuyết minh, phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng do Công ty thu mới của Công ty TNHH SX TMDV Cường Nguyên AGRI hơn 138 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Bảy Bỉnh hơn 137 tỷ đồng và thu từ các khách hàng khác gần 1,302 tỷ đồng (gấp đôi đầu năm)…
Về nguồn vốn, nợ phải trả tăng 36,4% lên 6.565 tỷ đồng, phần lớn là nợ ngắn hạn với 6.418 tỷ đồng; phải trả người bán ngắn hạn tăng 270% lên 1.811 tỷ đồng; tổng vay nợ tăng 15,7% lên hơn 4.193 tỷ đồng (chiếm 64% nguồn vốn).
Ngày 24/10, Lộc Trời đã ký hợp đồng cấp tín dụng hợp vốn với 7 ngân hàng trong và ngoài nước, gồm First Commercial Bank, Agricultural Bank of China Limited - chi nhánh Hà Nội, China Construction Bank Corporation - chi nhánh TP.HCM, CTBC Bank và E.Sun Commercial Bank - chi nhánh Đồng Nai.
Gói tín dụng hợp vốn này có hạn mức 100 triệu USD, trong thời gian 3 năm, nhằm bổ sung nguồn vốn lưu động trong các hoạt động mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao, qua đó đảm bảo nguồn cung cả về số lượng và chất lượng cho các đơn hàng trong thời gian tới của Lộc Trời.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐQT Huỳnh Văn Thòn, với quỹ đất khoảng 1 triệu ha ở Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp đang có nhu cầu vốn lên đến 1 tỷ USD dành cho sản xuất và 2 tỷ USD để thu mua toàn bộ nguyên liệu lúa.
Do đó, gói 100 triệu USD lần này không quá lớn nhưng sẽ là tiền đề để ông lớn ngành nông nghiệp mở rộng mạng lưới đối tác ngân hàng và nâng quy mô tín dụng, mục tiêu đạt con số tối thiểu 3 tỷ USD.
Hồi đầu năm, doanh nghiệp cũng đã ký hợp đồng tài trợ vốn 12.000 tỷ đồng với các ngân hàng trong nước gồm Vietcombank, HDBank, TPBank, Maritime Bank... để thực hiện đơn hàng 2 triệu tấn lúa trong năm. Ông Nhiên cho biết gói này hiện đã được giải ngân gần hết, còn số ít trong những tháng gần đây phải hạn chế lại do hạn mức tín dụng gặp khó.