Lợi nhuận loạt "ông lớn" biến mất hàng trăm tỷ đồng sau kiểm toán

01/04/2023 13:25 GMT+7
Sau khi đơn vị kiểm toán "soi" dữ liệu trong báo cáo tài chính, bên cạnh những doanh nghiệp có bước đảo chiều tích cực, lợi nhuận của không ít doanh nghiệp lại "hứng cú" sụt giảm mạnh.

Thép Nam Kim (NKG) lỗ gần gấp đôi sau kiểm toán

Công ty CP Thép Nam Kim (HoSE: NKG) vừa công bố BCTC hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán.

Cụ thể, năm 2022 sau kiểm toán, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu thuần giữ nguyên giá trị hơn 23.071 tỷ đồng, giảm 19% so với mức thực hiện năm 2021.

Tuy nhiên, giá vốn được điều chỉnh tăng thêm hơn 60,8 tỷ đồng sau kiểm toán, do trích lập dự phòng hàng tồn kho tại Công ty Ống thép Nam Kim, công ty con của NKG. Do đó, lợi nhuận gộp năm 2022 của NKG cũng giảm ở mức tương tự, đạt hơn 1.481 tỷ đồng sau kiểm toán.

Lợi nhuận loạt "ông lớn" biến mất hàng trăm tỷ đồng sau  kiểm toán - Ảnh 1.

Chênh lệch trước và sau kiểm toán của Thép Nam Kim (1)

Cuối cùng, Thép Nam Kim ghi nhận lỗ gần 125 tỷ đồng, trong khi năm trước có lãi 2.225 tỷ. So với số liệu trước kiểm toán là lỗ 66,7 tỷ đồng, mức lỗ của Nam Kim đã tăng gần gấp đôi, chủ yếu liên quan đến dự phòng hàng tồn kho.

Đây là lần đầu tiên NKG thua lỗ trong 10 năm trở lại đây. Trước đó, lần lỗ gần đây nhất của NKG vào năm 2012 với hơn 105 tỷ đồng.

Dabaco (DBC) gây "choáng" khi lợi nhuận lao dốc hơn 97%

Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) đã có văn bản giải trình về nguyên nhân khiến lợi nhuận chỉ còn hơn 5 tỷ đồng, giảm tới 97% so với báo cáo tự lập trước đó của Công ty.

Cụ thể, doanh thu thuần của DBC ở báo cáo kiểm toán ghi nhận giảm 6% còn 11.558 tỷ, lãi ròng giảm 97% còn hơn 5 tỷ đồng so với chưa kiểm toán.

Lợi nhuận loạt "ông lớn" biến mất hàng trăm tỷ đồng sau  kiểm toán - Ảnh 2.

Lãi ròng của DBC giảm 97% còn hơn 5 tỷ đồng so với chưa kiểm toán.

Công ty giải trình nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận sau kiểm toán giảm do có sự thay đổi về các quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục nghiệm thu công trình xây dựng đưa vào sử dụng. Công ty đã điều chỉnh giảm doanh thu và lợi nhuận của hoạt động kinh doanh Bất động sản trên BCTC của Công ty mẹ.

So với kết quả năm 2021, lãi ròng 2022 sau kiểm toán của DBC lao dốc 99%, tương ứng giảm hơn 824 tỷ đồng. So với mục tiêu lãi ròng 918 tỷ đồng trong năm 2022, mức lợi nhuận DBC đạt được chưa đến 1% kế hoạch.

Lợi nhuận Thuduc House 'bốc hơi' 73% sau kiểm toán

Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House, HoSE: TDH) cũng đã có công văn giải trình gửi đến Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh về việc lợi nhuận lao dốc gần 73% sau kiểm toán.

Theo giải trình, trong báo cáo tài chính hợp nhất lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp số trước kiểm toán của Thuduc House khoảng 30 tỷ đồng, thế nhưng, sau khi được đơn vị kiểm toán (Công ty TNHH Ernst và Young Việt Nam) thì lợi nhuận sau thuế chỉ còn hơn 8 tỷ đồng, chênh lệch 72,93%.

Lý giải về việc này, Thuduc House cho rằng, sự chênh lệch này đến từ việc tăng chi phí tài chính do tăng trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư, cũng như tăng chi phí quản lý do tăng trích lập dự phòng các khoản công nợ phải thu quá hạn.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng điều chỉnh giảm thu nhập khác từ hoạt động thanh lý tài sản, đồng thời ghi nhận tăng chi phí khác của dự án đã hoàn thành. Mặt khác, công ty bất động sản này cũng tăng khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại do trích trước chi phí xây dựng.

Theo Thuduc House, trong năm 2022, tổng doanh thu của công ty theo báo cáo hợp nhất và báo cáo riêng đều giảm so với năm 2021 do giảm doanh thu từ các hoạt động thanh lý tài sản, thanh lý các khoản đầu tư.

Tuy nhiên, công ty cũng đã tiết giảm được tối đa các khoản chi phí hoạt động, từ đó chuyển lỗ 890 tỷ đồng trong năm 2021 thành lãi hơn 8 tỷ đồng trong năm 2022.

Cụ thể, tỷ trọng giá vốn trên doanh thu giảm do không phải trích lập thêm dự phòng giảm giá hàng tồn kho của công ty mẹ như năm 2021.

Chi phí tài chính cũng giảm khi giảm ghi nhận lỗ thanh lý các khoản đầu tư, giảm trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư đang nắm giữ so với năm trước đó. Đặc biệt, cả năm qua công ty này không phát sinh chi phí lãi vay, hiện không có dư nợ vay ngân hàng.

Các chi phí khác trong năm 2022 đồng thời giảm mạnh do công ty không phải ghi nhận thêm chi phí liên quan đến các khoản truy thu hoàn thuế giá trị gia tăng và lãi chậm nộp theo các quyết định của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh như năm 2021.

Sau khi làm việc với cơ quan thuế, công ty cũng được điều chỉnh giảm giá trị khoản phải nộp đã được ghi nhận theo các quyết định trong năm 2021 hơn 15 tỷ đồng.

Vinaconex (VCG) sau kiểm toán lãi ròng giảm 118 tỷ đồng

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã CK: VCG) vừa công bố kết quả kinh doanh sau kiểm toán với chỉ số lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2022 giảm 118 tỷ đồng.

Cụ thể, sau kiểm toán doanh thu và lãi ròng năm 2022 của VCG lần lượt là 8,453 tỷ đồng và 148 tỷ đồng, tăng tương ứng 47% và 18% so với năm trước.

VCG cho biết nguyên nhân là do giảm lợi nhuận từ một số hợp đồng thi công xây lắp của các công ty con tại các dự án đầu tư xây dựng dở dang của Công ty.

An Vũ
Cùng chuyên mục