London giữ vững ngai vàng trung tâm tài chính thế giới bất chấp khủng hoảng Brexit
Khủng hoảng Brexit có làm lung lay vị thế thống trị của London?
Tỷ phú bất động sản người Anh Stuart Lipton mới đây đặt cược 1,2 tỷ USD rằng London vẫn sẽ là Trung tâm tài chính thế giới bất chấp hỗn loạn Brexit. Không riêng gì Stuart Lipton, công ty bảo hiểm lớn nhất nước Pháp France’s Axa - cũng chính là công ty cung cấp hai bảo hiểm cho công trình vĩ đại nhà thờ Đức Bà Paris - đã cũng đồng quan điểm rằng London sẽ giữ vững ngôi vị trung tâm tài chính. Rõ ràng, cho đến nay, những cảnh báo từ hồi trưng cầu dân ý năm 2016 rằng bê bối Brexit sẽ khiến London mất đi ngai vàng thống trị thị trường tài chính quốc tế là hoàn toàn sai lầm.
Trong hai quý đầu năm 2019, London đã thu hút khối lượng đầu tư bất động sản thương mại lớn hơn bất cứ thành phố nào khác trên thế giới. London thậm chí vượt qua New York để trở thành thành phố nhận đầu tư tài chính lớn nhất thế giới, qua đó củng cố vị thế thống trị trên thị trường tài chính ngoại hối.
Giữa vòng xoáy hỗn loạn Brexit, Anh vẫn vượt qua Mỹ trở thành trung tâm trung chuyển lãi suất lớn nhất thế giới, mặc cho lời kêu gọi của cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande về việc thống nhất sự thống trị của London trên thị trường chứng khoán phái sinh đồng Euro. Rõ ràng, London ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình khi trở thành trung tâm tài chính quốc tế lớn nhất thế giới, bất chấp cuộc khủng hoảng Brexit kéo dài 3 năm qua. Vị thế của London giúp Anh giữ vững vai trò chính trị của mình bất chấp thực tế rằng Vương quốc đang chuẩn bị cho quá trình tách khỏi EU.
Brexit không phải nỗi lo?
Đại gia ngân hàng Goldman Sachs vừa khai trương một trụ sở mới xa hoa ngay tại London vào tháng 7/2019, giữa thời điểm Brexit bước vào giai đoạn hỗn loạn nhất. CEO Goldman Sachs cho hay hầu hết các ngân hàng lớn không muốn rời London bất chấp việc Anh sắp trở thành thị trường độc lập bên ngoài khối EU. Goldman Sachs thậm chí chấp nhận cắt giảm 20% ngân sách chi phí quỹ lương để duy trì trụ sở tại London.
Là trung tâm các hoạt động giao dịch, cho vay và đầu tư trên thế giới, London được công nhận là đầu mối xuất khẩu dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới. Dù cho cuộc trưng cầu dân ý Brexit hồi năm 2016 đã gây sốc cho các công ty tài chính hoạt động tại London và dẫn đến sự sụt giá đồng bảng Anh lớn nhất kể từ những năm 1970.
Nhiều ngân hàng, công ty bảo hiểm và quỹ quản lý tài sản vẫn đang chuyển hàng tỷ Euro tài sản trái phiếu và phái sinh từ London sang các trung tâm tài chính mới của EU như Frankfurt (Đức) để tránh nguy cơ Anh rời EU trong hỗn loạn mà không có thỏa thuận chính thức cụ thể nào. Nhưng đa số các tổ chức tài chính đều lựa chọn giữ lại một phần quan trọng các hoạt động tại London thay vì chuyển “đầu não” tới những thành phố khác.
Theo thông tin từ Reuters, các ngân hàng lớn nhất thế giới như JP Morgan Chase, Goldman Sachs, BofA, Morgan Stanley, Credit Suisse và Deutsche Bank đều xác nhận đã chuẩn bị sẵn sàng cho Brexit không thỏa thuận, bao gồm cả các kế hoạch đẩy nhanh chuyển giao nguồn lực và hoạt động tại London.
Hồi đầu năm, ông James Gorman, giám đốc điều hành Morgan Stanley cho hay ông hiếm khi lo lắng về Brexit. “Brexit không nằm trong 200 vấn đề khiến tôi lo lắng nhất”.
Tất nhiên, Anh không tránh khỏi những tổn thất khi rời EU. Nhóm nghiên cứu Bruegel tại Brussels ước tính Anh có thể mất tới 30.000 việc làm trong vòng 1 năm sau khi ly khai EU, và mất khoảng 75.000 việc làm từ nay đến năm 2025. Nhưng vị thế thống trị thế giới trong lĩnh vực tài chính của London chắc chắn không dễ dàng bị hạ bệ.
Youssef Cassis, một giáo sư kỳ cựu về lịch sử kinh tế tại London nhận định rằng: “Trên thế giới, không có tiền lệ lịch sử nào về việc một khối kinh tế vững mạnh (ở đây là EU) tách khỏi trung tâm tài chính của nó - London”. Do đó, mọi ước tính về hệ quả cho đến nay vẫn chỉ la tương đối.