Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi: Làm rõ quy định cấp chứng chỉ hành nghề cho môi giới bất động sản

29/09/2022 19:36 GMT+7
Nhiều chuyên gia nhận định Luật Kinh doanh bất động sản đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, với sự phát triển sôi động của thị trường bất động sản, dần xuất hiện những bất cập cần phải được bổ sung, điều chỉnh.

Phát biểu tại Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, ông Trương Anh Tuấn Chủ tịch Công ty CP tư vấn dịch vụ thương mại địa ốc Hoàng Quân cho rằng không nước phát triển nào xem bất động sản là thị trường mà lại không bán hàng thông qua môi giới. Hơn nữa, họ còn phải có bằng cấp, phải được chứng thực. Bắt buộc người bán phải thông qua hệ thống bán hàng với đầy đủ công chứng, bảo lãnh và pháp lý.

"Do đó quan điểm của tôi trong dự Luật Kinh doanh bất động sản cần quy định là nên bán hàng qua cá nhân hoặc sàn giao dịch, môi giới mà có chứng chỉ môi giới bất động sản. Môi giới bất động sản phải có bằng cấp, công ty phải có chứng chỉ. Và một vấn đề quan trọng hơn, đó là ai sẽ là người cấp cái đó", ông Tuấn nhận định

Chuyên gia nhận định cần làm rõ quy định cấp chứng chỉ hành nghề cho môi giới bất động sản (Ảnh: HT)

Chuyên gia nhận định cần làm rõ quy định cấp chứng chỉ hành nghề cho môi giới bất động sản (Ảnh: HT)

Ông Tuấn cũng đề nghị Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: "Chúng ta đang có tổ chức đào tạo chứng chỉ nhưng có chăng nên giám sát chứng chỉ mà có thời gian quy định? Ví dụ sau 2-3 năm, thực hiện kiểm tra lại kiến thức, trình độ theo chứng chỉ. Vai trò của hiệp hội bất động sản Việt Nam và các hiệp hội địa phương trong việc này là phải làm sao để có quyền cấp chứng chỉ và theo dõi các hội viên của mình", ông Tuấn chia sẻ.

Đồng quan điểm về chứng chỉ hành nghề cho môi giới bất động sản, ông Nguyễn Hồng Chung, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nêu quan điểm: "Thứ nhất là việc quản lý dịch vụ sàn và dịch vụ môi giới. Tuy nhiên 2014-2015 thị trường BĐS sôi động và bộc lộ những yếu kém trong quản lý, các sàn thao túng thị trường. Hoạt động của môi giới và cá nhân hành nghề cũng có những tiêu cực nhất định. Dự thảo đưa vào là đúng nhưng việc lấy lại luật 2017 đưa vào là chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

Hai là tôi đồng ý rằng người hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS phải thông qua cơ chế đào tạo, có chứng nhận xong mới cấp chứng chỉ hành nghề. Muốn vậy, vấn đề tổ chức đào tạo phải được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, việc đào tạo vẫn đang lấy lại những quy định của từ năm 2017 nên cũng không phù hợp với thời điểm hiện tại. Đề nghị Bộ Xây dựng phải có khung đào tạo, điều kiện đăng ký đào tạo, cơ chế học và thi chặt chẽ", ông Chung chia sẻ.

Ông Nguyễn Hồng Chung góp ý về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi (Ảnh: TD)

Ông Nguyễn Hồng Chung góp ý về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi (Ảnh: TD)

Đối với luật kinh doanh bất động sản, TS. Cấn Văn Lực đưa ra quan điểm trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

"Lần này Bộ Xây dựng đưa vào căn hộ du lịch, biệt thự du lịch vào luật, tuy nhiên cần định nghĩa rõ hơn. Thứ nhất là, làm rõ định nghĩa tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Thứ hai là định nghĩa các loại hình BĐS được đưa vào đầu tư kinh doanh, tôi đề nghị bổ sung thêm các loại hình khác. Thứ ba là quan tâm BĐS công nghiệp, nghĩa trang, bất động sản số. Thứ tư là quy định rõ liên quan phí bảo lãnh gắn với nhà ở hình thành trong tương lai, ngân hàng cũng mong muốn chủ đầu tư đứng ra trả. Năm là, vấn đề mua bán giao dịch BĐS qua sàn hay không qua sàn. Theo tôi, thứ cấp thì nên thông qua sàn và nên cho phép bán thông tin dữ liệu BĐS. Cuối cùng là nên có một chương riêng về vấn đề tài chính bất động sản", ông Lực chia sẻ.

Về Luật Kinh Doanh bất động sản, ông Trần Kim Chung, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng vị thế của hai luật Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản hoàn toàn khác nhau. Ông Chung kiến nghị yêu cầu của Luật Kinh doanh bất động sản phải tách ra khỏi Bộ Xây dựng. Kinh doanh bất động sản được chế tài bằng rất nhiều luật, trong khi bất động sản là đất, nhà và những cái gắn liền với đất đai.

"Thị trường bất động sản có 2 loại cơ bản, thị trường bất động sản không gian xây dựng, thị trường tài sản, phân loại theo nhóm có 5, đối tượng quản lý khác nhau nên nội dung phải khác nhau. Một trong những cái căn bản nhất của Luật Kinh doanh bất động sản đó là cái gì được đem vào trong kinh doanh bất động sản. Riêng chữ "đất khác" là thế giới khác nhau, không thể nói phàm là bất động sản được đưa vào kinh doanh, bởi chỉ có cái nào đủ điều kiện mới được kinh doanh, phải ghi rất rõ", ông Chung nhấn mạnh.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục