Lùi thời gian sửa đổi Luật Đất đai
Sáng 21/4, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và điều chỉnh chương trình năm 2020.
Về việc điều chỉnh chương trình năm 2020, Chính phủ đề nghị rút Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai, chờ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ tiến hành sửa đổi căn cơ theo định hướng chiến lược xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đồng thời đề nghị Quốc hội có thể xem xét ban hành nghị quyết để kịp thời tháo gỡ một số vướng mắc.
Đồng tình lùi dự án luật này nhưng Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cân nhắc việc ra nghị quyết của Quốc hội để giải quyết một số vấn đề vướng mắc liên quan đến Luật đất đai. "Chúng ta chuẩn bị bao lâu nay để sửa một số điều cũng chưa được, bây giờ ban hành một nghị quyết thì có giải quyết được vấn đề không?", ông băn khoăn.
Ông Hiển đề nghị với dự án Luật đất đai cần nhìn tổng thể, giải quyết bài bản chứ không thể giải quyết một vài điểm.
Cũng trình bày về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đồng tình với việc rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai ra khỏi chương trình năm 2020.
"Đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng để trình Quốc hội sửa đổi toàn diện luật này tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội XV (tháng 10/2021) mà không cần ban hành nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc (vì về bản chất việc ban hành nghị quyết cũng là sửa đổi, bổ sung Luật đất đai)", ông Tùng phân tích.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 cần tập trung khắc phục việc Luật Đất đai 2013 không đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống pháp luật, từ Hiến pháp đến hàng loạt bộ luật. Hệ thống pháp luật ban hành sau năm 2013 đều có những điều mà Luật Đất đai không quy định hoặc có quy định nhưng không đồng bộ.
"Việc sửa đổi Luật Đất đai có tầm ảnh hưởng quá lớn nên phải thận trọng, kỹ lưỡng, tránh việc áp dụng vào thực tế lại tiếp tục có thêm những thiếu sót như hiện tại. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án luật" - ông Hà khẳng định.
Luật Đất đai trải qua 5 lần sửa đổi: Luật đầu tiên được ban hành cách đây hơn 3 thập kỷ, có hiệu lực từ ngày 8/1/1988 với sáu chương, 57 điều. Luật này sau đó được thay thế bởi Luật Đất đai 1993 ban hành ngày 14/7/1993 với bảy chương, 89 điều và có hiệu lực từ ngày 15/10/1993. Năm 2003, luật lại được sửa đổi, bổ sung với bảy chương, 146 điều. Lần sửa đổi tiếp theo vào năm 2013, có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 và đến giờ lại tiếp tục sửa đổi.