“Minh oan” thành công 43% vụ việc phòng vệ thương mại
Cụ thể, theo ông Lương Kim Thành, Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại cho hay, thời gian qua, số lượng các vụ việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đi các nước liên tục gia tăng.
Tính đến nay, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra gần 200 vụ việc phòng vệ thương mại đối với nhiều mặt hàng, gồm cả các mặt hàng xuất khẩu quan trọng như thủy sản (tôm, cá tra), sắt thép, nhôm, gỗ...
"Trong các vụ việc đã xử lý thời gian qua, Cục Phòng vệ thương mại đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp nhằm cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện. Ngoài ra, Cục cũng đã cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời giúp doanh nghiệp nắm được thông tin ngay từ khi vụ việc xảy ra.
Bên cạnh đó, Cục Phòng vệ thương mại cũng tư vấn một số vấn đề pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định, thông lệ điều tra của nước khởi kiện và hướng xử lý cho doanh nghiệp. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hợp tác, trả lời bản câu hỏi điều tra", ông Lương Kim Thành cho hay.
Nhờ những hoạt động này, khoảng 43% số vụ việc đã thu được kết quả tích cực, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam không bị ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng không đáng kể bởi biện pháp phòng vệ thương mại mà nước ngoài áp dụng. Đây là một tỷ lệ cao hơn mức bình quân trên thế giới.
"Điều này, đảm bảo nhiều mặt hàng của Việt Nam tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường lớn với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức rất thấp, góp phần đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã khiếu nại 5 biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng không hợp lý đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó 3 vụ đã kết thúc với kết quả thuận lợi cho Việt Nam", ông Lương Kim Thành nói.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng và tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, công tác điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng được đẩy mạnh và triển khai đồng bộ.
Các biện pháp phòng vệ thương mại kịp thời đã góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước. Từ đó cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất, bảo vệ công ăn việc làm cho hơn 150.000 người lao động trực tiếp thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất. Các biện pháp phòng vệ thương mại cũng góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong thời gian vừa qua, để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm đường lỏng HFCS nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc.
Ngoài ra, cơ quan này cũng khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan. Hai vụ việc này theo dự kiến có thể xem xét áp dụng biện pháp tạm thời vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.
Được biết, ngành mía đường là một trong những ngành có vai trò và đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đồng thời giúp chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tạo việc làm cho hơn 1,5 triệu lao động, trên 33 vạn hộ nông dân, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng nhiều khó khăn.