Mới: Bán hàng rong, xe ôm... được hỗ trợ tối thiểu 50.000 đồng/ngày

02/07/2021 06:47 GMT+7
Theo chính sách mới nhất, lao động tự do sẽ được hỗ trợ ở mức không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày.

Ngày 01/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Mục tiêu của Nghị quyết 68 là tập trung vào hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ, không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.

Theo nghị quyết ban hành, có 12 chính sách hỗ trợ người lao động khó khăn.

Nhóm thứ nhất, chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cụ thể, người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) cho người lao động.

Người sử dụng lao động sẽ hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng chống đại dịch COVID-19.

Nhóm thứ hai, chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Cụ thể, người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị. Đối với trường hợp đã được giải quyết tạm dừng đóng, nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết nhưng tổng thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng.

Nhóm thứ ba, chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Cụ thể, những người lao động sẽ được hỗ trợ đào tạo thông qua việc sử dụng kinh phí từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.

Người lao động tự do có thể được hỗ trợ tối thiểu 1,5 triệu đồng/tháng - Ảnh 2.

Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ, không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia. Ảnh minh họa: Báo Người Lao động.

Nhóm thứ tư, chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Chính sách được áp dụng cho người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Có hai nhóm được hưởng, một nhóm hưởng mức 1.855.000 đồng/người; và một nhóm hưởng 3.710.000 đồng/người.

Nhóm thứ năm, chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc. Người lao động bị ngừng việc và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 sẽ được hỗ trợ một lần 1 triệu đồng/người.

Nhóm thứ sáu là chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động. Người lao động phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia BHXH bắt buộc nhưng không đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.

Đặc biệt, đối với lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác, Thủ tướng có quyết định mức hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày. Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố có thể xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ ở mức cao hơn.

Ngoài ra, chính sách còn áp dụng với các trường hợp khác bao gồm cho vay để trả lương, hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch hay hỗ trợ hộ kinh doanh bị ảnh hưởng vì dịch bệnh.

Với băn khoăn, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng lần này có giải ngân song song với gói 62.000 tỷ theo Nghị quyết 42 trước đó, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết tổng số ngân sách hỗ trợ từ khi dịch bắt đầu xuất hiện đến giờ là khoảng 160.000 tỷ đồng. 

Trong số đó, riêng việc thực hiện Nghị quyết 42 đã có 14,4 triệu người được thụ hưởng với tổng số tiền khoảng 39.000 tỷ đồng, riêng ngân sách nhà nước chi số tiền hỗ trợ là 13.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Dung khẳng định gói hỗ trợ lần này không chạy song song với gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 vì thực tế chính sách đó đã kết thúc vào cuối năm 2020. Số tiền chưa sử dụng đã được chuyển sang sử dụng với những mục đích khác.



PV
Cùng chuyên mục