Một "chấm đỏ" xuất hiện, giá cao su sẽ ra sao tới đây?

26/03/2022 18:27 GMT+7
Giá cao su tại Nhật Bản tăng phiên thứ 5 liên tiếp, do đồng Yen suy yếu so với đồng USD, nguồn cung hạn chế và thị trường chứng khoán Tokyo tăng mạnh. Giá cao su tại sàn Thượng Hải đã xuất hiện "chấm đỏ"-giảm nhẹ ở kỳ hạn giao tháng 4, còn lại giá vẫn ở thế đi lên...

Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 3/2022 ghi nhận mức 258 yen/kg, tăng 1,86% (tương đương 4,8 Yen/kg) tại thời điểm khảo sát vào lúc 16h54 (giờ Việt Nam).

Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 5/2022 được điều chỉnh lên mức 13.485 NDT/tấn, tăng 0,04% (tương đương 5 NDT) so với giao dịch trước đó. Các kỳ hạn tháng 6, 7 và 8 có mức tăng lớn hơn, từ 10-20 NDT...

Một "chấm đỏ" xuất hiện, giá cao su sẽ ra sao tới đây? - Ảnh 1.

Cập nhật lúc: 26/03/2022 lúc 16:54:03

Một "chấm đỏ" xuất hiện, giá cao su sẽ ra sao tới đây? - Ảnh 2.

Cập nhật lúc: 26/03/2022 lúc 16:54:03

Giá cao su tại Thái Lan cũng tăng lên. Mưa lớn tại Thái Lan trong tuần qua đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác mủ cao su, khiến nguồn nguyên liệu thô thắt chặt và đầy giá tăng cao.

Tại Ấn Độ, giá cao su tự nhiên tại Kerala (Ấn Độ) cũng đi lên do nhu cầu từ các nhà dự trữ trong nước tăng. Các thương nhân cho biết, những lo ngại đang tồn tại xoay quanh vấn đề nguồn cung sẽ tiếp tục hỗ trợ giá.

Sự thiếu hụt nguồn cung có thể tiếp diễn khi mùa sản xuất thấp điểm ở Kerala bắt đầu. Ông EJ Sunny, Chủ sở hữu Công ty Edattukdi Rubber Traders có trụ sở tại Ernakulam, cho biết, xu hướng dự trữ ngày càng gia tăng khi giá được dự đoán sẽ nối dài đà đi lên.

Sản lượng cao su tự nhiên của Ấn Độ có thể giảm do mưa lớn từ tháng 10 đến tháng 11 ở Kerala, khu vực sản xuất cao su trọng điểm của đất nước, do vậy có thể ảnh hưởng đến mùa khai thác cao su cao điểm của quốc gia này.

Trong năm 2021, Việt Nam là thị trường lớn thứ 3 cung cấp cao su cho Ấn Độ với 125,95 nghìn tấn, trị giá 243,56 triệu USD, tăng 85,9% về lượng và tăng 142,3% về trị giá so với năm 2020.

Cao su nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 10,5% trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Ấn Độ, tăng so với mức 7,6% của năm 2020.

Ở chủng loại cao su tự nhiên, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp cho Ấn Độ với 124,19 nghìn tấn, trị giá 237,35 triệu USD, tăng 84,9% về lượng và tăng 138,8% về trị giá so với năm 2020.

Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ trong năm 2021 chiếm 23,6%, tăng mạnh so với mức 17,8% của năm 2020.

Hiệp hội Các nước sản xuất Cao su tự nhiên (ANRPC) dự kiến, tiêu thụ cao su toàn cầu sẽ tăng 1,2% lên 14,2 triệu tấn vào năm 2022. Trong đó, nhu cầu cao su tự nhiên trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe được kỳ vọng sẽ tăng lên.

Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ cao su cũng sẽ tăng trong bối cảnh doanh số bán ô tô tại các nền kinh tế lớn tăng trưởng khá khả quan.

Nhìn chung, cao su tiếp tục được dự báo là ngành kinh doanh thuận lợi trong năm nay. Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) cho rằng triển vọng ngành cao su năm 2022 sẽ rất sáng, giá bán tiếp tục giữ ở mức cao. Sản lượng cao su toàn cầu năm nay sẽ tăng 5,6% so với năm ngoái.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su chỉ nhích nhẹ về sản lượng nhưng giá trị lại tăng đến 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su sẽ khiến giá mủ tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao. Điều này giúp Việt Nam hưởng lợi kép cả về sản lượng xuất đi và giá trị thu về.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 2/2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 101,66 nghìn tấn, trị giá 181,75 triệu USD, giảm 47,2% về lượng và giảm 45,1% về trị giá so với tháng 1/2022; so với tháng 2/2021 giảm 2,4% về lượng, nhưng tăng 5,4% về trị giá. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 294,35 nghìn tấn, trị giá 512,81 triệu USD, tăng 0,2% về lượng và tăng 7,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 2/2022, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.788 USD/tấn, tăng 4,1% so với tháng 1/2022 và tăng 8% so với tháng 2/2021.

Một "chấm đỏ" xuất hiện, giá cao su sẽ ra sao tới đây? - Ảnh 3.

Nguồn: Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

Một "chấm đỏ" xuất hiện, giá cao su sẽ ra sao tới đây? - Ảnh 4.

Nguồn: Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

Thời gian tới, thị trường cao su sẽ có nhiều biến động do xung đột giữa Nga với Ukraine sẽ tác động đến thị trường hàng hóa, trong đó có mặt hàng cao su. Nga và Ukraine là hai trong số những nước tiêu thụ các sản phẩm làm từ cao su nhiều nhất thế giới. 

Xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Nga cũng sẽ gặp khó khăn do vận tải bị ngừng trệ, rủi ro về giao dịch ngân hàng... Việc cấm vận hàng không cũng sẽ dẫn đến các hãng hàng không phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.

Triển vọng xuất khẩu còn bị hạn chế bởi giá cước vận tải biển tăng cao. Giá cước container leo thang đến năm thứ 3 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Việc đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm container rỗng đã đẩy doanh nghiệp vào cảnh rất khó thuê tàu và dự báo tình trạng còn kéo dài đến năm 2023.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục