Giá cao su chấm dứt đà giảm, liệu có mong manh?

09/03/2022 17:33 GMT+7
Trái với diễn biến giá thế giới, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước không có nhiều biến động. Tuy nhiên, dự báo giá cao su tự nhiên trong vài tháng tới có thể tăng do nguồn cung thiếu hụt theo mùa.

Giá cao su ngày 9/3 trái chiều trên thị trường châu Á. Giá cao su tại Nhật Bản tăng mạnh trong khi giá cao su tại Thượng Hải vẫn lao dốc.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 9/3/2022, lúc 13h00, kỳ hạn tháng 7/2022, tăng mạnh lên mức 246,6 JPY/kg, tăng mạnh 4,7 yên, tương đương 1,94%.

Giá cao su chấm dứt đà giảm, liệu có mong manh? - Ảnh 1.

Giá cao su hôm nay đã tăng 1,94%

Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE): Giá cao su kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn Thượng Hải giảm mạnh 75 CNY, xuống mức 13.415 CNY/tấn, tương đương 0,56%.

Giá cao su chấm dứt đà giảm, liệu có mong manh? - Ảnh 2.

Giá cao su chấm dứt đà giảm, liệu có mong manh? - Ảnh 3.

Nguồn dữ liệu: Singapore Commodity Exchange Ltd (SICOM); Bloomberg; Rubber Association of Singapore Commodity Exchange (RASCE); International Rubber Study Group; Asian Wall Street Journal; World Bank.

Giá cao su tại Trung Quốc mức thấp nhất hơn 2 tuần, do thị trường chứng khoán toàn cầu suy giảm, cùng với đó là xung đột giữa Nga – Ukraine ngày càng trầm trọng.

Trước đó, trong phiên sáng nay, giá cao su kỳ hạn vẫn duy trì đà đi xuống. Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 4/2022 ghi nhận mức 240 JPY/kg, giảm 0,74% (tương đương 1,8 yen/kg) tại thời điểm khảo sát vào lúc 7h45 (giờ Việt Nam).

Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 3/2022 được điều chỉnh xuống mức 13.415 CNY/tấn, giảm 0,56% (tương đương 75 CNY) so với giao dịch trước đó.

Trong tháng 1/2022, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 66,5% tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam, với 128,07 nghìn tấn, trị giá 222,4 triệu USD.

Con số này giảm 22,5% về lượng và giảm 22,6% về trị giá so với tháng 12/2021; tuy nhiên so với tháng 1/2021 tăng 0,4% về lượng và tăng 10,4% về trị giá.

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,7% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 127,67 nghìn tấn, trị giá 221,52 triệu USD, giảm 22,6% về lượng và giảm 22,7% về trị giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 tăng 0,8% về lượng và tăng 10,8% về trị giá.

Trong tháng 1/2022, nhiều chủng loại cao su xuất khẩu đều tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với tháng 1/2021, trong đó đáng chú ý như: cao su tổng hợp, cao su hỗn hợp (HS: 4005), Skim block, SVR CV50, SVR 3L,…

Về giá xuất khẩu, trong tháng 1/2022, giá xuất khẩu bình quân một số chủng loại cao su có xu hướng tăng so với tháng 1/2021.Trong đó đáng chú ý như: Hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS: 400280), SVR 10, cao su tổng hợp SVR 20, cao su tái sinh…, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Giá cao su chấm dứt đà giảm, liệu có mong manh? - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

Sau xung đột Nga-Ukraine, giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa của Nhật Bản, Thái Lan tăng mạnh theo giá dầu. Trong khi, giá mặt hàng này trên sàn Thượng Hải lại có xu hướng giảm.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong tháng 2, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt biến động trái chiều.

Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản, giá cao su có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 2.

Tại Thái Lan, giá có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 2/2022. Ở chiều ngược lại, giá cao su tại sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) lại giảm mạnh khi các nhà đầu tư lo lắng về căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine.

Cục Xuất nhập khẩu nhận định giá cao su tại Nhật Bản tăng trong bối cảnh giá dầu tăng cùng với kỳ vọng nhu cầu mạnh hơn và nguồn cung thắt chặt.

Bên cạnh đó, giá cao su nguyên liệu từ nhà sản xuất cao su thiên nhiên hàng đầu Thái Lan tăng cũng giúp giá ở Nhật Bản giữ ở mức cao.

Các nhà máy ở Trung Quốc đang khởi động lại hoạt động sản xuất sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, nên tình trạng thiếu chip ô tô sẽ giảm bớt.

Các nhà sản xuất ô tô, bao gồm General Motors, Ford Motor và Hyundai Motor dự đoán tình trạng thiếu chip sẽ giảm bớt vào nửa cuối năm 2022.

Ngoài ra, xung đột giữa Nga - Ukraine cũng tác động đến thị trường hàng hóa, trong đó có mặt hàng cao su.

Trái với diễn biến thế giới, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước không có nhiều biến động. Tuy nhiên, dự báo giá cao su tự nhiên trong vài tháng tới có thể tăng do nguồn cung thiếu hụt theo mùa.

Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 330 340 đồng/độ mủ. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 348-350 đồng/độ TSC. Giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 310-320 đồng/độ TSC, ổn định so với cuối tháng 1/2022.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 2 ước đạt khoảng 100 nghìn tấn, trị giá 178 triệu USD, giảm 48% về lượng và giảm 46% về trị giá so với tháng 1.

Như vậy, ngay từ đầu năm 2022, xuất khẩu cao su giảm mạnh hai tháng liên tiếp. Nguyên nhân là do chưa bước vào mùa cạo mủ.

Trước đó, năm 2021 được coi là năm thành công của ngành cao su khi xuất khẩu phá kỷ lục 10 năm với 3,3 tỷ USD, tăng 37,5% so với năm 2020.

Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho rằng với đà phục hồi của các nền kinh tế, triển vọng xuất khẩu năm 2022 của ngành cao su khá tươi sáng.

Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu còn bị hạn chế bởi giá cước vận tải biển tăng cao. Giá cước container leo thang đến năm thứ 3 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Việc đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm container rỗng đã đẩy doanh nghiệp vào cảnh rất khó thuê tàu và dự báo tình trạng này sẽ còn kéo dài đến năm 2023.

Giá cao su chấm dứt đà giảm, liệu có mong manh? - Ảnh 5.

Giá cao su chấm dứt đà giảm, nhưng còn rất mong manh.

Thực tế, giá cao su thiên nhiên và giá dầu thô trên thị trường thế giới thường có mối quan hệ thuận chiều với nhau, do giá cao su thiên nhiên gắn liền với giá cao su nhân tạo - một sản phẩm của ngành công nghiệp lọc hoá dầu.

Bên cạnh ảnh hưởng của việc giá dầu thô tăng, giá cao su thiên nhiên cũng đang hưởng lợi từ chênh lệch cung - cầu. Theo ước tính của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên, sản lượng cao su toàn cầu trong năm 2022 có thể đạt 14,55 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ có thể lên tới 14,8 triệu tấn, tăng 4 - 5% so với năm 2021.

Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, nhu cầu găng tay cao su và quần áo bảo hộ cá nhân tăng mạnh, đây là động lực quan trọng để gia tăng sức cầu với sản phẩm cao su tự nhiên trong năm.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2022- 2024 được dự báo là chu kỳ tăng mạnh của giá cao su do nguồn cung đang giảm dần (diện tích vườn cao su trên thế giới giảm và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu).

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu cao su có thể tiếp tục hưởng lợi về giá trước những diễn biến thuận lợi của thị trường thế giới. Mục tiêu của Việt Nam năm nay là xuất khẩu cao su đạt 3,5 tỷ USD.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam đánh giá, giá cao su sẽ dao động xung quanh vùng 39 triệu đồng/tấn trong năm nay, do thiếu nguồn cung và nhu cầu cao tại thị trường Trung Quốc. Nhưng thực tế, ngay từ tháng 1 năm nay, các doanh nghiệp tại Việt Nam xuất bán mủ cao su với giá từ 41 - 42 triệu đồng/tấn.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục