Một công ty con của FECON (FCN) phát sinh gần 500 tỷ đồng cho các cá nhân vay và ủy thác đầu tư
Khoảng 420 tỷ đồng của Năng lượng FECON ủy thác cho 3 cá nhân đầu tư
Công ty cổ phần FECON (FECON, HoSE: FCN) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2022 soát xét. Theo đó, bảng cân đối kế toán hợp nhất của FECON cho thấy, trong kỳ FCN hợp nhất phát sinh thêm gần 500 tỷ đồng là các khoản phải thu ngắn và dài hạn khác, qua đó nâng tổng số dư các khoản phải thu ngắn và dài hạn khác lên gần 1.000 tỷ đồng.
Chi tiết cho khoản phát sinh thêm gần 500 tỷ đồng phải thu ngắn và dài hạn khác, báo cáo cho biết, đây là khoản phải thu của Công ty cổ phần Năng lượng FECON.
Cụ thể, khoản phải thu liên quan đến cho vay dài hạn ông Lê Thanh Tùng hơn 76 tỷ đồng. Mục đích Năng lượng FECON cho ông Lê Thanh Tùng vay là chỉ được sử dụng thực hiện nghĩa vụ thanh toán của ông Lê Thanh Tùng với Ecotech Việt Nam theo hợp đồng chuyển nhượng vốn tại Công ty TNHH Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng giữa Ecotech Việt Nam với ông Lê Anh Tùng. Lãi suất áp dụng cho khoản cho vay nói trên là 9%/năm. Thời điểm trả nợ không muộn hơn ngày 28/10/2025.
3 khoản phải thu ngắn hạn khác phát sinh mới trong kỳ gồm 50,9 triệu đồng liên quan ông Hà Thế Phương (Phó chủ tịch FCN), 177,9 tỷ đồng liên quan ông Muôn Văn Chiến (từng là Phó tổng giám đốc FCN), và 190,2 tỷ đồng liên quan đến ông Phùng Tiến Trung (từng là thành viên HĐQT FCN, miễn nhiệm ngày 28/04/2022).
Đây là các khoản ủy thác đầu tư giữa Năng lượng FECON với các cá nhân nhận ủy thác đầu tư đã nêu trên, phát sinh trong tháng 4 và 5/2022. Thời hạn ủy thác là 12 tháng kể từ ngày hợp đồng được ký kết. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho biết thêm, trong kỳ FECON hợp nhất phát sinh hơn 510 tỷ đồng chi cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác.
FECON bơm thêm tiền cho Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng ?
Theo dữ liệu của Etime, ở thời điểm tháng 6/2022, ông Lê Anh Tùng là chủ tịch HĐQT đồng thời nắm giữ 49% vốn của Công ty TNHH Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng. Trước đó, ông Lê Anh Tùng nắm giữ 10% vốn của Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng.
Ở thời tháng 6/2022, Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng có vốn điều lệ 420 tỷ đồng, trong đó Ecotech Việt Nam nắm giữ 51% vốn. Thuyết minh báo cáo FECON mẹ cho thấy, FCN có khoản phải thu dài hạn khác đối với Ecotech Việt Nam là 82,7 tỷ đồng.
Số dư nói trên được thuyết minh phát sinh từ hợp đồng hợp tác kinh doanh của FECON tại Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng.
Cụ thể, tháng 5/2021, FECON và Ecotech Việt Nam đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh vào Công ty TNHH Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng (chủ đầu tư nhà máy điện gió số 6). Theo đó, FECON đóng góp số tiền 120 tỷ đồng, thực góp đến cuối tháng 6/2022 là 79 tỷ đồng. FECON sẽ nhận được ích là khoản tiền giá trị bằng tổng giá trị vốn góp và giá trị cộng thêm,…., nhưng không thấp hơn giá trị bằng giá trị vốn góp x 3,5%/năm x thời gian thực tế hợp tác.
Như vậy, ngoài khoản tiền hợp tác đầu tư thực góp 79 tỷ đồng, thông qua công ty con là Năng lượng FECON số tiền, FECON đã rót vào Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng gần 160 tỷ đồng (bao gồm 76 tỷ đồng Năng lượng FECON cho ông Lê Anh Tùng vay để mua lại một phần vốn góp của Ecotech Việt Nam tại Điện gió Quốc Vĩnh Sóc Trăng).
Thông tin hồi tháng 10/2021 cho biết, Nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng do liên danh Công ty Cổ phần FECON (đại diện là Công ty Cổ phần Đầu tư FECON) và Công ty Ecotech làm chủ đầu tư với công suất giai đoạn 1 là 30MW, tổng mức đầu tư hơn 1.420 tỷ đồng trên diện tích quy hoạch 7,5ha trên đất liền. Nhà máy có 6 trụ turbine gió, mỗi turbine có công suất 5MW. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng khoảng 97,5 triệu kWh/năm.
Ngày 29/10/2021, Nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng chính thức được công nhận vận hành thương mại (COD).