Một phụ nữ ở Đà Nẵng "ăn nên làm ra" nhờ trồng giống ổi lê Đài Loan
Thông qua các chương trình, dự án, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ấn tượng nhất phải kể đến mô hình trồng cây ăn quả của chị Đỗ Thị Thanh Thúy (SN 1983) ở thôn Miếu Bông, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng.
Đến thăm vườn cây ăn quả của chị Thúy, được chị cho biết: Trước đây, vợ chồng chị làm nghề kinh doanh tự do để mưu sinh. Sau dịch Covid-19, công việc kinh doanh khó khăn, thu nhập không ổn định.
Năm 2022, chị vay Ngân hàng Agribank 100 triệu đồng cùng số tiền tích góp được chị bắt đầu xây dựng mô hình trồng cây ăn quả trên đất của gia đình, với diện tích hơn 2.500m2, với loại cây trồng chủ lực là ổi lê Đài Loan, ổi nữ hoàng, ổi đông dư.
Nhờ cách chăm sóc tốt, cây ăn quả thích ứng với thổ nhưỡng của địa phương, cây ổi qua 6-8 tháng trồng đã cho trái bói và có sản phẩm thu hoạch.
Vườn cây ăn quả của chị Thúy mỗi năm sau khi trừ chi phí cho lãi từ 300 - 400 triệu đồng. Ảnh: T.H.
Mô hình trồng cây ăn quả phát triển tốt, năm 2023 chị Thúy đã vay thêm Agribank 200 triệu đồng để đầu tư mở rộng vườn cây ăn quả. Đến nay, quy mô vườn cây ăn quả của chị Thúy có diện tích rộng hơn 5.000m2, với hơn 500 gốc ổi các loại…
Hiện nay, mô hình trồng cây ăn quả (chủ yếu là ổi) của chị Thúy đang phát triển tốt. Hàng tháng, vườn cây ăn quả của gia đình chị xuất bán ra thị trường khoảng hơn 200 kg ổi các loại. Đặc biệt, từ đầu năm 2024, chị Thúy bắt đầu sản xuất thêm sản phẩm trà lá ổi để bán ra thị trường, nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình.
"Ổi lê Đài Loan là giống ổi có khả năng sinh trưởng khỏe, chống chịu tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Đặc biệt là cây sai quả, to, đều và ít sâu bệnh. Chỉ cần trồng 6-8 tháng là cây bắt đầu cho quả. Khác với trồng lúa, mía, cây ổi khi trưởng thành cho thu hoạch quanh năm.
Với giá bán tại vườn dao động từ 35.000 - 45.000 đồng/kg (tùy thời điểm/tùy loại ổi), mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng...", chị Thúy dự tính.
Chị Thúy chia sẻ: Nhiều phụ nữ trẻ như chị ban đầu khởi nghiệp khó khăn nhất là nguồn vốn. Chị thấy Ngân hàng Agribank cho vay đối với những người mới khởi nghiệp như chị là rất hay, rất ý nghĩa, kịp thời đáp ứng được sự mong mỏi của người dân. Giúp họ có nguồn vốn để xây dựng các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt, để làm hướng phát triển kinh tế cho bản thân, qua đó làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
"Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, gia đình tôi nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và các hội đoàn thể xã. Đặc biệt là nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Agribank, tôi rất biết ơn ngân hàng đã tạo điều kiện cho tôi vay vốn để xây dựng vườn cây ăn quả của gia đình.
Mặc dù mô hình trồng cây ăn quả mới hình thành được 3 năm nay nhưng gia đình tôi đã có của ăn của để, nuôi 2 đứa con ăn học, khá giả hơn trước rất nhiều…", chị Thúy phấn khởi nói.
Ông Đoàn Văn Thẩm, Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Hòa Vang Nam Đà Nẵng – Phòng giao dịch Hòa Phước cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã chủ động cung cấp vốn tín dụng cho người dân để phát triển kinh tế, đặc biệt là các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, hộ cá thể…. Ở Hòa Phước không chỉ có hộ chị Thúy mà còn nhiều hộ tiêu biểu khác, việc được tiếp cận nguồn vốn Agribank kịp thời, đã giúp cho người dân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế, nhờ đó mà hàng trăm nông dân đã có cuộc sống khá giả.
"Trong thời gian tới, đơn vị sẽ bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tiếp tục đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn giúp người người dân có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao thu nhập…", ông Thẩm cho hay.