Một số nước Đông Nam Á tìm cách tăng thuế để bù lỗ ngân sách sau dịch Covid-19

31/05/2020 12:34 GMT+7
Một số chính phủ Đông Nam Á đang tìm cách tăng nguồn thu từ thuế để bù đắp nguồn thu ngân sách sau đại dịch Covid-19.
Một số nước Đông Nam Á tìm cách tăng thuế để bù lỗ ngân sách sau dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Một số nước Đông Nam Á tìm cách tăng thuế để bù lỗ ngân sách sau dịch Covid-19

Dù không trở thành tâm chấn đại dịch Covid-19 như các quốc gia Châu Âu hay Mỹ, nhiều nước Đông Nam Á vẫn chứng kiến thiệt hại kinh tế nặng nề từ cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Chuỗi cung ứng lao đao do phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, doanh thu du lịch giảm mạnh và sản xuất kinh doanh chững lại vì các biện pháp đóng cửa biên giới, phong tỏa quốc gia hoặc cách ly xã hội để hạn chế sự lây lan dịch bệnh.

Khi nền kinh tế điêu đứng vì đại dịch, các chính phủ Đông Nam Á cũng lao đao vì nguồn thu ngân sách giảm mạnh. 

Tại Philippines, Chính phủ nước này tuyên bố nguồn thu ngân sách từ thuế giảm mạnh 18% trong 4 tháng đầu năm. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố: “Có một nhu cầu bức thiết hiện tại là phải tăng cường các nguồn lực ngân sách để thúc đẩy tài trợ cho các chương trình của chính phủ”.

Các mức thuế mới mà chính quyền ông Duterte vừa công bố dự kiến sẽ bổ sung 6 tỷ peso (119 triệu USD) vào kho bạc nhà nước từ nay đến cuối năm. Khoản doanh thu ngân sách này sẽ được sử dụng cho các chương trình hỗ trợ hộ gia đình thu nhập thấp hoặc tăng cường nhập khẩu thiết bị, vật tư y tế.

Một số nhà lập pháp Philippines hiện đang thúc đẩy thuế giá trị gia tăng với các dịch vụ kỹ thuật số của từ các đại gia công nghệ như Facebook, Google, Netflix. Động thái này tương tự các chính phủ Châu Âu, những người được cho là đang xem xét thuế kỹ thuật số để tìm kiếm nguồn tăng thu ngân sách từ các công ty công nghệ lớn. 

Nhiều nhà quan sát nhận định tương tự như các nước Đông Nam Á, các chính phủ Châu Âu cũng đang đối diện với cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất kể từ hồi Đại suy thoái đến nay. Họ sẽ cần nguồn tiền mặt để hỗ trợ nền kinh tế. Các đại gia công nghệ Mỹ là lựa chọn khả quan.

Hôm 20/5, Chính phủ Philippines cho biết đang xem xét mức thuế VAT dịch vụ công nghệ như vậy.

Nhưng Indonesia đã đi trước một bước. Chính phủ nước này tuyên bố bắt đầu từ tháng 7, các đại gia công nghệ như Netflix, Zoom, Amazon.com… đang hoạt động tại nước này sẽ phải chịu mức thuế giá trị gia tăng lên tới 10%. Đây là một trong số các biện pháp khẩn cấp được Indonesia công bố hồi tháng 3 để tăng thu ngân sách. Khoản thuế này dự kiến sẽ bổ sung vào kho bạc nhà nước Indonesia khoảng 10,4 nghìn tỷ rupiah mỗi năm (700 triệu USD), tương đương 0,5% tổng thu ngân sách chính phủ trong năm 2019.

Thái Lan, một quốc gia Đông Nam Á khác chịu thiệt hại nặng nề từ đại dịch Covid-19 thì đang xem xét tăng thuế lĩnh vực du lịch để đảm bảo nguồn thu ngân sách chính phủ. Cụ thể, chính phủ Thái Lan đang cân nhắc nâng mức thuế nhập cảnh mới với du khách nước ngoài ngay khi hoạt động du lịch khôi phục trở lại. Mức thuế này sẽ được dùng để hỗ trợ chính các doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, theo nguồn tin từ chính phủ.

Nhưng có một rủi ro ở đây, rằng bất kỳ mức thuế bổ sung nào cũng có nguy cơ làm giảm chi tiêu thương mại, chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh, qua đó cản trở sự phục hồi tăng trưởng kinh tế. Việc có nên áp thuế hay không, áp thuế như thế nào, mức thuế ra sao, trong bao lâu… sẽ là những quyết định khó khăn mà các chính phủ Đông Nam Á phải đối mặt trong bài toán cân bằng nguồn thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục