MPC: Lãi công ty mẹ tăng trưởng hơn 20%, tài sản của “Vua tôm” Lê văn Quang “bốc hơi” ngàn tỷ
Thủy sản Minh Phú (MPC) của “vua tôm” Lê Văn Quang vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quý II/2019 với mức lãi ròng tăng tới 47% so với cùng kỳ.
Theo đó, với doanh thu thuần công ty mẹ MPC đạt 2.953 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2018. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán xấp xỉ 2.713 tỷ đồng, chiếm gần 53% của doanh thu thuần khiến cho lợi nhuận gộp trong kỳ của MPC giảm 5% xuống 240 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 10% xuống 8%.
Trong kỳ đáng chú ý là doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 7,5 lần đạt hơn 105 tỷ đồng, chủ yếu từ doanh thu tài chính khác. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 36% lên gần 58 tỷ đồng, trong đó hơn 1 nửa đến từ chi phí lãi vay (30 tỷ).
Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý lần lượt cao hơn 9% và 8% so với quý II/2018, ở mức 82,7 tỷ đồng và 20,6 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của Thủy sản Minh Phú của ông Lê Văn Quang đạt gần 185 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và 172 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 47% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng, Thủy sản Minh Phú đạt doanh thu thuần 5.142 tỷ đồng, cao hơn 16% nửa đầu 2018. Lợi nhuận trước thuế 401 tỷ đồng và lãi sau thuế 381 tỷ đồng.
So với con số mục tiêu đầy tham vọng năm 2019 là 2.300 tỷ đồng, sau 6 tháng đầu năm MPC thực hiện vỏn vẹn 17% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.
Nửa đầu năm, hoạt động tài chính là động lực tăng trưởng lợi nhuận cho Thủy sản Minh Phú và mang về cho MPC 278 tỷ đồng doanh thu, gấp 2,5 lần cùng kỳ.
Tại thời điểm 30/6/2019, tổng tài sản của Thủy sản Minh Phú đang ở mức 7.401 tỷ đồng, tăng từ mức 6.084 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, chủ yếu là tài sản ngắn hạn (chiếm 61%) với 4.522 tỷ đồng.
Về cơ cấu tài sản ngắn hạn của MPC, tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh từ 267 tỷ đầu kỳ xuống 26 tỷ đồng vào cuối tháng 6 do doanh nghiệp không còn khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống.
Đầu tư tài chính ngắn hạn tăng gần gấp đôi đầu kỳ. Hàng tồn kho lên tới 1.532 tỷ đồng. Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn 2.029 tỷ đồng, giảm hơn 400 tỷ so với đầu năm. Đây cũng là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản ngắn hạn của MPC.
Đáng chú ý, khoản phải thu của Thủy sản Minh Phú có tới 1.539 tỷ đồng từ Mseafood Corpora, tăng 2,4 lần đầu năm.
Tài sản dài hạn chủ yếu là đầu tư tài chính vào công ty con hơn 2.605 tỷ đồng, trong đó trích lập dự phòng 316 tỷ đồng phần lớn tại công ty Thủy sản Minh Phú – Kiên Giang và Thủy sản Minh Phú Lộc An lần lượt 148 tỷ đồng và 150 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của MPC giảm mạnh từ 3.281 tỷ xuống chỉ còn hơn 1.956 tỷ đồng. Trong đó, vay và thuê tài chính 1.257 tỷ đồng, toàn bộ là vay ngắn hạn. Lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối 1.028 tỷ đồng, bên cạnh thặng dư cổ phần 2.361 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng từ 2.802 tỷ lên 5.445 tỷ đồng.
Nửa đầu năm, dòng tiền thuần của Thủy sản Minh Phú âm 242 tỷ đồng, giảm từ mức âm 358 tỷ của cùng kỳ. Tuy nhiên, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đã dương trở lại với 155 tỷ, cùng kỳ năm trước âm 883 tỷ đồng, chủ yếu là do tăng các khoản phải thu và giảm tồn kho trong kỳ.
Trên thị trường chứng khoán, hiện cổ phiếu MPC của Thủy sản Minh Phú đang giao dịch tại 35.300 đồng/cổ phiếu, tăng 7% sau 1,5 tháng. Tuy nhiên, thị giá của mã cổ phiếu này lại bốc hơi nhẹ trong nửa đầu năm nay. Còn so với đỉnh 49.300 đ/cp ghi nhận vào cuối tháng 3, thì MPC của “vua tôm” Lê Văn Quang đã “bốc hơi” 14.000 đồng/cp. Đây cũng chính là thời điểm Thủy sản Minh Phú phát hành 60 triệu cổ phiếu MPC cho MPM Investments Pte.Ltd (đơn vị thuộc Mitsui & Co), tương đương 30% vốn sau phát hành với giá 50.630,5 đồng/cp. Ước tính tổng giá trị phát hành lên tới hơn 3.038 tỷ đồng. Sau giao dịch, vốn điều lệ của Minh Phú được nâng lên 2.000 tỷ đồng.
Đồng thời, MPM Investments Pte.Ltd cũng nhận chuyển nhượng nhận chuyển nhượng 10,2 triệu cổ phiếu MPC từ 3 cá nhân gồm Phó Tổng giám đốc Lê Văn Điệp, Phó Tổng giám đốc Chu Văn An và bà Lê Thị Minh Quý. Qua đó, MPM Investment hiện sở hữu 35% vốn tại Minh Phú.
Tại Thủy sản Minh Phú, “vua tôm” Lê Văn Quang – chủ tịch HĐQT hiện đang nắm giữ trực tiếp hơn 32 triệu cổ phiếu MPC (tỷ lệ 22,88%) và vợ là bà Chu Thị Bình nắm giữ trên 35 triệu cổ phiếu, 2 con gái Lê Thị Dịu Minh – Phó TGĐ cũng nắm trong tay hơn 11 triệu cổ phiếu của MPC. Như vậy, với mức giá hiện nay khối tài sản chứng khoán trực tiếp của gia đình “vua tôm” tại MPC vào khoảng 2.756 tỷ đồng, bay gần 1.093 tỷ đồng so với đỉnh điểm trong nửa đầu năm 2019.