Mỹ phủ nhận đang kêu gọi đồng minh tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2022
"Cách tiếp cận của chúng tôi về Thế vận hội 2022 không thay đổi. Chúng tôi chưa thảo luận và cũng không thảo luận với các đồng minh về bất kỳ cuộc tẩy chay nào như vậy” - một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ trả lời trong thông điệp hồi đáp CNBC.
Trước đó, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Ned Price từng gây chú ý khi gợi ý trong cuộc họp báo hôm 6/3 rằng tẩy chay Thế vận hội mùa đông 2022 diễn ra tại Bắc Kinh có thể là một trong những lựa chọn tiềm năng để lên án tình trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia trước đây cho rằng các cuộc thảo luận về việc tẩy chay Thế vận hội mùa đông 2022 có thể diễn ra trong bối cảnh chính quyền Biden nỗ lực tập hợp các đồng minh để thu hút sự chú ý và sức mạnh quốc tế trong vấn đề Trung Quốc. Mặc dù lưỡng đảng Mỹ hiện đều ủng hộ lập trường chính sách cứng rắn với Bắc Kinh, nhưng cho đến nay hầu như chưa có sự nhất trí rộng rãi nào trong đảng rằng tẩy chay sẽ là con đường hiệu quả để chống lại Trung Quốc.
Một cựu quan chức Bộ Tài chính cấp cao giấu tên nhận định rằng động thái tẩy chay như vậy sẽ là lời tuyên bố “Chiến tranh lạnh” từ nước Mỹ. “Tốt hơn hết là hãy đến đó và chiến thắng. Tốt hơn hết là nên trở thành Jesse Owens (VDV chạy nước rút người Mỹ từng giành được 4 huy chương vàng tại Thế vận hội mùa hè năm 1936 ở Berlin của Đức Quốc xã) hơn là người Liên Xô vào năm 1984 (Liên Xô khi đó tẩy chay các trận đấu diễn ra ở Los Angeles, Mỹ)”.
Tháng trước, Mỹ từng trừng phạt hai quan chức Trung Quốc với cáo buộc đóng vai trò trong các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người dân tộc thiểu số ở Tân Cương. Các biện pháp trừng phạt được đưa ra ngay sau cuộc gặp gỡ gây tranh cãi ở Alaska giữa đại diện bên Mỹ: Ngoại trưởng Antony Blinken, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và đại diện phía Trung Quốc: nhà ngoại giao hàng đầu Dương Khiết Trì và Ủy viên Quốc vụ Viện, Ngoại trưởng Vương Nghị. Hàng loạt đồng minh Mỹ là EU, Anh và Canada cũng có hành động tương tự.
Bắc Kinh từng nhiều lần bác bỏ cáo buộc của phía Mỹ về việc vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ, một nhóm dân tộc Hồi giáo bản địa của Tân Cương. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc những tuyên bố như vậy là lời nói dối ác ý được thiết kế nhằm “bôi nhọ Trung Quốc” cũng như kìm hãm sự phát triển của quốc gia này.
Chính Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, người từng có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 2/2021 ngay sau khi nhậm chức, cũng tuyên bố rằng ông sẽ có cách tiếp cận khác với người tiền nhiệm Donald Trump ở chỗ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh để chống lại Bắc Kinh. “Chúng tôi sẽ cạnh tranh từ một vị thế mạnh mẽ hơn bằng cách xây dựng “sân nhà” tốt hơn và siết chặt quan hệ với các đồng minh, đối tác của chúng tôi”.
Căng thẳng Mỹ - Trung đã leo thang mạnh mẽ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, với hàng loạt xung đột trên nhiều mặt trận thương mại, công nghệ và địa chính trị. Suốt 4 năm qua, chính quyền Trump đã cáo buộc Trung Quốc với nhiều hành vi thương mại không lành mạnh bao gồm trộm cắp tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc… Gần đây nhất, sự bùng phát đại dịch Covid-19 lần đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc và sau đó lan rộng ra toàn thế giới khiến Mỹ trở thành ổ dịch lớn nhất càng thổi bùng căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu hành tinh.