Mỹ thâm hụt ngân sách kỷ lục 738 tỷ USD, FED vẫn kêu gọi tăng cứu trợ tài chính
Mỹ báo cáo thâm hụt ngân sách kỷ lục trong tháng 4
Bộ Tài chính báo cáo các khoản thu ngân sách trong tháng 4 giảm mạnh 55% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 242 tỷ USD, trong khi khoản chi tăng 161% lên 980 tỷ USD. Như vậy, từ đầu năm đến nay, thâm hụt tài chính của chính phủ Mỹ đã tăng lên 1,48 nghìn tỷ USD, vượt xa mức 531 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2019.
Theo Bộ tài chính Mỹ, mức thâm hụt ngân sách khổng lồ trong tháng 4 là một trong những minh chứng đầu tiên phản ánh các khoản chi tiêu chính phủ tăng đột biến trong nỗ lực giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng đại dịch với nền kinh tế. Trước đó, kỷ lục thâm hụt ngân sách của Mỹ là 235 tỷ USD trong tháng 2/2020.
Một quan chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ cho hay: “Đó là những con số đáng kinh ngạc mà tôi chưa từng nghĩ sẽ chứng kiến”. Đây là một trong số ít lần chính phủ Mỹ báo cáo thâm hụt thương mại. Trong suốt 66 năm qua, Mỹ chỉ báo cáo thâm hụt 15 quý.
Hôm 27/3, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt thông qua gói giải cứu kinh tế trị giá 2,3 nghìn tỷ USD để đối phó với cuộc khủng hoảng đại dịch. Kể từ đó đến nay, chính phủ đã viện trợ toàn bộ chi phí cứu trợ khẩn cấp để xoa dịu tác động của đại dịch cho các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp và chính quyền địa phương, với số tiền lên tới 3 nghìn tỷ USD.
Một quan chức Bộ Tài chính cho hay: “Tháng 4 là tháng đầu tiên một số chương trình kích thích kinh tế có hiệu lực và bắt đầu được thanh toán (tới các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp). Khoảng 600 tỷ USD trong chi tiêu chính phủ được chi trả cho các biện pháp cứu trợ liên quan đến đại dịch Covid-19, trong khi các khoản thu ước tính giảm khoảng 300 tỷ USD”.
Trong những năm trước, tháng 4 thường là tháng thặng dư ngân sách do các khoản thuế đến hạn vào ngày 15/4 theo quy định. Nhưng năm nay, do hệ lụy từ dịch bệnh, một số khoản thuế cá nhân và kinh doanh doanh nghiệp được trì hoãn đến ngày 15/7.
Hơn 33 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ ngày 21/3 đến nay, tương đương 1/5 lực lượng lao động Mỹ. Điều này cũng góp phần gây nên mức thâm hụt ngân sách kỷ lục.
Trước đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) Mỹ dự báo thâm hụt ngân sách nước Mỹ có thể tăng 4 lần lên mức kỷ lục 3,7 nghìn tỷ USD trong năm tài chính 2020 do các khoản tăng chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế giữa khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Quan chức FED: nền kinh tế Mỹ cần thêm nhiều hỗ trợ tài chính
Dù Mỹ chứng kiến mức thâm hụt ngân sách kỷ lục như vậy, các quan chức FED vẫn nhận định nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình Mỹ sẽ cần thêm các hỗ trợ tài chính để vượt qua giai đoạn khó khăn này. “Tình trạng thất nghiệp sẽ trở nên tồi tệ hơn trên khắp đất nước còn sự phục hồi kinh tế thì không đồng đều”.
Chủ tịch FED chi nhánh Dallas, ông Robert Kaplan trả lời phỏng vấn tờ CNN cho hay tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể đạt đỉnh lên tới 20% hoặc cao hơn, trước khi giảm xuống 8-10% trong cuối năm nay. Hồi tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ lên tới 14,7%.
“Cần phải có thêm nhiều kích thích tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm bớt tình trạng thất nghiệp” - ông Kaplan khẳng định. Các nhà hoạch định chính sách khác của FED bao gồm Chủ tịch FED tại Richmond Thomas Barkin và Chủ tịch FED chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari cũng đồng tình với quan điểm này.
Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang đã đưa lãi suất tiệm cận mức 0 và triển khai hàng loạt chương trình cho vay, gói nới lỏng định lượng… Nhưng FED không có thẩm quyền đưa ra các hình thức cứu trợ tài khóa hoặc giảm thuế như Quốc hội Mỹ. Ước tính, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, các nhà lập pháp Mỹ đã cam kết những chương trình viện trợ với tổng trị giá 3 nghìn tỷ USD.
Các quan chức FED cũng chỉ ra rằng tốc độ phục hồi của nền kinh tế sẽ không đồng đều từ địa phương này sang địa phương khác, từ khu vực kinh tế này sang khu vực kinh tế khác. “Việc kinh tế hồi phục không phụ thuộc vào các thống đốc cũng như ngài Tổng thống. Điều đó phụ thuộc vào chính người dân Mỹ: khi nào họ cảm thấy an toàn để đưa gia đình đi ăn tối, đi xem phim trở lại…” - ông Neel Kashkari nói thêm.
Trong những tuần qua, các quan chức FED đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét nghiệm hàng loạt là chìa khóa để ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm mới. Đồng thời, yêu cầu khoảng cách xã hội và các biện pháp hạn chế kiểm dịch khác tại khu vực văn phòng, doanh nghiệp... là cần thiết để giữ cho tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong ở mức tối thiểu. Việc mở cửa trở lại nền kinh tế mà không có những biện pháp như vậy có thể dẫn đến một cuộc Đại khủng hoảng mới với hàng triệu người tiếp tục mất việc và khủng hoảng kinh tế trên quy mô lớn, theo Chủ tịch FED chi nhánh St. Louis, ông James Bullard.