Năm 2022 sóng gió lịch sử của Hòa Phát (HPG), lãi ngành thép giảm 76%, nông nghiệp giảm 92%
Sóng gió ngành thép năm 2022
Theo Hòa Phát, những cơn sóng gió ngành thép phải đối mặt gồm:
Thứ nhất, diễn biến đầu năm nóng, nguội dần và đóng băng vào cuối năm của ngành bất động sản là nguyên nhân chính gây sụt giảm về tiêu thụ và giá bán thép xây dựng dẫn đến doanh thu thép giảm dần trong năm 2022.
Thị trường bất động sản Việt Nam khởi động khá hưng phấn vào đầu năm 2022, rồi đột ngột đảo chiều vào giữa quý 2 và rơi vào cảnh trầm lắng kéo dài đến hết năm do nhiều khó khăn chưa tháo gỡ được về dòng vốn. Điều này gây hệ quả là sự sụt giảm rõ rệt về cả cầu và giá bán thép xây dựng, một trong những sản phẩm chủ lực hiện tại của Hòa Phát với tỷ trọng hơn 70% tiêu thụ nội địa.
Từ giữa tháng 5/2022 đến cuối năm, giá thép bước vào 19 nhịp điều chỉnh giảm gần như liên tiếp với tổng biên độ rơi hơn 4.2 triệu đồng/tấn, tương ứng với 25% giá trước giảm.
Thứ hai, giá than leo dốc đột biến do khủng hoảng từ xung đột địa chính trị, cộng hưởng bởi ảnh hưởng của tiêu thụ chậm và giá bán thấp do cầu yếu, khiến giá vốn hàng bán chịu nhiều áp lực.
Khủng hoảng năng lượng từ chiến sự Nga - Ukraine đã đẩy giá than luyện cốc, một trong hai nguyên liệu chính của luyện thép bằng lò cao lên gấp 3 lần thông thường vào hai đợt đỉnh điểm là tháng 3 và tháng 5/2022 và vẫn duy trì cao hơn mức giá năm 2021 khoảng 1.5 lần trong suốt thời gian còn lại của năm 2022. Do vậy, biên lợi nhuận gộp từ 27% năm 2021 xuống còn 12% năm 2022.
Thứ ba, giá USD tăng mạnh liên tục trong năm và đột ngột đảo chiều hạ sâu vào cuối năm. Trong khi giá USD duy trì ở mức khá ổn định trong năm 2021, sang năm 2022, tỷ giá bắt đầu có xu hướng nâng lên ngay từ tháng 3/2022 và tăng mạnh liên tục đến hết tháng 11/2022, đạt mức kỷ lục trong vòng 20 năm trở lại đây và chỉ quay đầu giảm sâu đột ngột trong những tuần cuối cùng của năm 2022.
Với đặc thù nguồn nguyên liệu đến chủ yếu từ nguồn nhập khẩu, trong khi thị trường tiêu thụ chính lại là nội địa, đồng thời vẫn duy trì tỷ trọng vay nước ngoài nhất định trong cơ cấu nợ vay, Hòa Phát luôn phải trả nguyên tệ USD ròng, dẫn đến chi phí tài chính liên quan rủi ro tỷ giá tăng cao. Tổng kết năm 2022, lỗ ròng tỷ giá (chênh lệch lãi và lỗ) là 1,858 tỷ đồng, tăng 65 lần so với 2021.
Thứ tư, lãi suất tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm. Trong năm 2022, Fed đã có 7 liên tiếp nâng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát tại Mỹ, đưa mức lãi suất này lên cao nhất trong 15 năm kể từ 2007 trở lại đây. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở Việt Nam được thực hiện với độ trễ khá dài khi duy trì lãi suất VNĐ ở mức dễ chịu trong 6 tháng đầu năm 2022 và chỉ bắt vào đà tăng mạnh trong 6 tháng còn lại. Hết năm, chi phí lãi vay là 3,084 tỷ đồng, tăng 1.53 lần so với cùng kỳ 2021.
Trong bối cảnh khó khăn, Hòa Phát mạnh tay cắt giảm hàng tồn kho, giảm mức dự trữ nguyên vật liệu xuống tối đa nhằm giảm lượng thành phẩm sản xuất với giá thành cao, đồng thời còn làm giảm gánh nặng về vốn lưu động và chi phí tài chính.
Đồng thời, Công ty cũng đóng cửa 4 lò cao, giảm công suất sản xuất thép để giảm bớt lượng hàng tồn kho thành phẩm giá cao, đồng thời phù hợp với sức tiêu thụ của thị trường.
Lợi nhuận ngành nông nghiệp giảm 92% so với cùng kỳ
Doanh thu năm 2022 đạt 89% kế hoạch đề ra, giảm 5% so với năm 2021 và tiếp tục là năm có doanh số trên 6 tỷ USD.
Trong đó, thép đóng góp 94% doanh thu toàn Tập đoàn. Doanh thu của lĩnh vực thép giảm 4% do nhu cầu thị trường cùng với giá bán thép giảm so với cùng kỳ. Doanh thu lĩnh vực bất động sản giảm 59%.
Lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn đạt 34% kế hoạch đề ra, giảm 76% so với cùng kỳ 2021 khi đạt được 8.444 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần năm 2022 đạt 6%. Trong đó lĩnh vực tạo nên sự sụt giảm này chủ yếu là do ngành thép giảm 76% lợi nhuận và nông nghiệp giảm 92% lợi nhuận so với cùng kỳ.
Năm 2022, lĩnh vực nông nghiệp của Tập đoàn chiếm tỷ trọng doanh thu 5%. Lợi nhuận lĩnh vực này sụt giảm mạnh so với năm 2021 do ảnh hưởng của suy thoái hậu Covid làm giảm sức tiêu thụ của thị trường. Trong khi đó chi phí đầu vào tăng cao do nhiều nguyên nhân, điển hình là nông sản thế giới đã được thiết lập mặt bằng giá mới do xung đột tại Ukraine, chính sách Zero COVID của Trung Quốc, lạm phát tăng cao ở Mỹ, châu Âu và nhiều nước trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, nguy cơ mất ổn định an ninh năng lượng, an ninh lương thực cao. Đầu năm giá heo, trứng và bò đều giảm mạnh, khôi phục lại trong quý 2 &3, sau đó quay đầu giảm vào quý 4.
Đặc biệt, thị trường bò Úc suy giảm mạnh do Trung Quốc đóng cửa biên giới trong thời gian dài. Bò các loại kể cả bò không chính ngạch (không tuân theo mô hình chăm sóc chuẩn quốc tế, không tiêm phòng, giá rẻ...) quay lại cạnh tranh tại thị trường tiêu thụ ở Việt Nam vốn đã nhỏ, dẫn tới bò Úc ở phân khúc giá trung bình cao gặp nhiều khó khăn.
Thực tế, sản lượng bán hàng bò Úc nguyên con chỉ đạt gần 28.000 con, giảm 45% so với 2021. Sản lượng cám tiêu thụ 332.000 tấn, tăng 13% so với cùng kỳ 2021, trong đó dùng nội bộ tại các trại của Hòa Phát là 159.000 tấn chiếm 48%.
Mảng chăn nuôi heo, sản lượng xuất chuồng gần 404.000 đầu heo, trong đó heo thành phẩm 352.000 con, tăng 22% so với cùng kỳ 2021, chỉ tiêu sản xuất đứng trong Top đầu của ngành chăn nuôi. Hòa Phát tập trung cung cấp heo giống thương phẩm, heo thịt chất lượng cao ra thị trường từ các trang trại ở Yên Bái, Hòa Bình, Thái Bình, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hưng Yên, Bình Phước. Trong năm, Tập đoàn đã cung cấp ra thị trường gần 265 triệu quả trứng gà, trung bình hơn 850.000 quả/ngày, dẫn đầu về sản lượng cung cấp trứng gà sạch tại miền Bắc. Hòa Phát hiện đang cung cấp 50.000-60.000 quả trứng gà sạch mỗi ngày vào hơn 100 siêu thị, cửa hàng.
Năm 2023, Hòa Phát mở rộng khu công nghiệp Yên Mỹ II
Hòa Phát cho biết, năm 2023, giá nguyên nhiên liệu xu hướng tăng, giá bán tăng không tương xứng, chi phí tài chính lớn do dự báo lãi suất vẫn tiếp tục duy trì trạng thái cao. Theo đó, Hòa Phát dự kiến kế hoạch doanh thu đạt 150.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 8.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và giảm 5% so với thực hiện năm 2022.
Ban lãnh đạo sẽ phấn đấu hoàn thành các giấy tờ pháp lý và tiếp tục đầu tư xây dựng cho dự án khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2; hoàn thành và đưa vào chạy thử nghiệm giai đoạn 1 nhà máy sản xuất container. Đồng thời, tăng dần sản lượng sản xuất thép phù hợp với diễn biến thị trường và đảm bảo tiêu thụ hết số lượng sản phẩm sản xuất ra,…
Đặc biệt, trong năm nay, Hòa Phát sẽ đầu tư thêm hạ tầng kỹ thuật dự án Khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng với diện tích quy hoạch 216 ha, đáp ứng nhu cầu cao về thuê đất khu công nghiệp hiện nay.
Kế hoạch trong 10 năm tới, Tập đoàn sẽ phát triển 10 khu công nghiệp bao gồm cả các khu công nghiệp hiện nay đang có.
Đối với mảng dự án nhà ở - khu đô thị, Tập đoàn sẽ tập trung phát triển các đại đô thị diện tích từ 300 - 500 ha, đóng góp vào quá trình đô thị hóa các khu dân cư hiện hữu của địa phương. Các dự án bất động sản nhà ở - khu đô thị đang được nghiên cứu và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện.