Nestlé, Samsung ủng hộ vừa "phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế"
Nestlé Việt Nam cam kết hỗ trợ các mục tiêu kép của Chính phủ
Tại Tọa đàm "Covid-19 và FDI: Tác động và triển vọng" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa mới tổ chức, lãnh đạo các doanh nghiệp nước ngoài đều khuyến nghị có thể giúp Chính phủ thành công với các mục tiêu kép và làm tăng trưởng thu hút đầu tư FDI trong giai đoạn tái phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Trong vòng 1 tuần Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có 3 cuộc gặp với các đại sứ, đại diện doanh nghiệp, đại diện các tổ chức có nhiều đầu tư tại Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định luôn ủng hộ và đồng hành cùng các nhà đầu tư. Trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu hiện nay, trong khi cả nước đang gồng mình chống dịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các nhà đầu tư, đến môi trường đầu tư, chú trọng cải thiện, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch.
Thủ tướng đã lắng nghe các kiến nghị của các nhà đầu tư, giao cho các bộ, ngành, các địa phương xem xét giải quyết các khó khăn, tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư để họ yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Cơ chế, chính sách về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được quan tâm hoàn thiện và toàn diện hơn, qua đó giúp kết quả cải cách thực chất hơn, hiệu quả và thiết thực hơn.
Tại buổi toạ đàm, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam Binu Jacob chia sẻ: "Kể từ khi chính thức đặt chân trở lại vào Việt Nam cách nay hơn 25 năm, tất cả hoạt động của Nestlé nhằm hiện thực cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần vào một tương lai khỏe mạnh hơn cho người Việt Nam.
Với triết lý tập đoàn hàng đầu thế giới gắn kết và thấu hiểu địa phương, chúng tôi mang đến cho người Việt Nam công nghệ nghiên cứu và sản xuất hàng đầu thế giới của tập đoàn Nestlé đi cùng với sự cam kết và thấu hiểu nhu cầu thiết thân nhất của người dùng.
Trong suốt hành trình hơn hai thập kỷ qua, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ và giúp sức vô cùng quý báu của Chính phủ, lãnh đạo các cơ quan, lãnh đạo bộ ban ngành và chính quyền địa phương của các tỉnh thành là Đồng Nai, Hưng Yên, TP.Hồ Chí Minh, Đắk Lắk.
"Chúng tôi muốn chia sẻ những mối quan tâm và khuyến nghị có thể giúp Chính phủ thành công với các mục tiêu kép và làm tăng trưởng thu hút đầu tư FDI trong giai đoạn tái phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19", ông Binu Jacob nói.
Thay mặt Nestlé Việt Nam, ông Binu Jacob cam kết hỗ trợ các mục tiêu kép của Chính phủ là bảo vệ cuộc sống và sinh kế, nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu sức khỏe của người dân.
"Chúng tôi ủng hộ định hướng chính sách chiến lược của Chính phủ là thích ứng "với virus một cách an toàn", tái mở cửa nền kinh tế và thoát khỏi quy trình Chỉ thị 15 hoặc 16 hoặc các biện pháp hạn chế tương tự trong tương lai.ông Binu Jacob khẳng định.
Về phương án tái hoạt động trở lại, ông Binu Jacob cho rằng, ngay bây giờ cần phải tái mở cửa thiết lập trạng thái "bình thường mới" đi cùng với kế hoạch rõ ràng và thời gian.
Cụ thể. Các hoạt động kinh tế ở Việt Nam đang được quan tâm bởi các công ty FDI cũng như được so sánh với các nước trong khu vực. Để duy trì vị thế cạnh tranh trên khu vực cũng như trên toàn cầu thì chúng ta cần hành động ngay bây giờ.
Các doanh nghiệp có hồ sơ theo dõi đã được chứng minh và kế hoạch rõ ràng cần được kích hoạt để đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn đối với hoạt động và an toàn của người lao động và mở cửa trở lại khi họ có thể, với sự giám sát sau khi thực hiện.
Mô hình sản xuất tại chỗ được thiết lập như một giải pháp tình thế trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng với mục tiêu đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất. Mô hình sản xuất này tuy vậy không bền vững đặc biệt đối với những dây chuyền nhà xưởng quy mô lớn, sử dụng số lượng lớn lao động như nhóm doanh nghiệp sản xuất, may mặc và thiết bị điện tử …
"Vaccine là yếu tố then chốt để cho phép tái mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế. Chúng tôi rất cảm ơn vì Chính phủ đã ưu tiên TP.HCM và Khu vực kinh tế phía Nam là khu vực ưu tiên về vaccine", ông Binu Jacob chia sẻ.
Về duy trì chuỗi sản xuất, ông Binu Jacob cho hay, sự phối hợp trên toàn quốc và giữa các tỉnh thành là rất quan trọng. Việc mỗi tỉnh thành đưa ra những quy định khác nhau chẳng hạn quy định về lấy mẫu xét nghiệm và tần suất xét nghiệm đối với người và hàng hóa lưu thông, hay cách ly y tế và giải quyết các trường hợp nhiễm bệnh, đã gây ra những đứt gãy về sản xuất và chuỗi cung ứng. Khi chúng ta tiến tới một trạng thái bình thường mới, sự phối hợp các chính sách trên toàn quốc vô cùng quan trọng.
"Chúng tôi hoan nghênh việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 cũng như việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng, phối hợp thực hiện", ông Binu Jacob bày tỏ,
Đồng thời, ông Binu Jacob cam kết đơn vị đóng góp cho những người cần được hỗ trợ ở Việt Nam. Tin tưởng rằng mỗi doanh nghiệp không nên quá quan tâm đến các mục tiêu kinh doanh và cần phải hành xử có trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội, từ khi đại dịch bùng phát, chúng tôi đã hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu, cộng đồng bị ảnh hưởng và hệ thống các bệnh viện với tổng giá trị lên đến 66 tỷ đồng gồm các sản phẩm dinh dưỡng, thiết yếu, trang thiết bi y tế, tiền mặt cũng như hưởng ứng Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 theo lời kêu gọi của Chính phủ. Chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ và các đối tác trong hoạt động hỗ trợ cộng đồng này.
"Là một đơn vị tư nhân, FDI, chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ trong cải thiện thể chế và làm cho môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và lành mạnh hơn", đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ.
Samsung Việt Nam ủng hộ "vừa phòng chống dịch hiệu quả"
Cũng tại buổi toạ đàm, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho khẳng định: "Samsung hoàn toàn ủng hộ chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc theo đuổi mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch hiệu quả" vừa "phát triển kinh tế".
"Đặc biệt, chúng tôi hiểu về tính bất khả kháng của các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ gần đây nhằm khống chế làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4", ông Choi Joo Ho chia sẻ.
Theo ông Choi Joo Ho, nếu các biện pháp phòng chống dịch mạnh tiếp diễn trong thời gian dài thì có thể gây ra các tổn thất kinh tế. Do đó, vừa theo đuổi mục tiêu kép "phòng chống dịch hiệu quả" và "tăng trưởng kinh tế" nhưng cũng cần liên tục kiểm tra về tính hài hòa giữa 2 mục tiêu này.
Ngoài ra, việc duy trì mạng cung ứng toàn cầu của các khu công nghiệp là yếu tố thiết yếu vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp đang vận hành các nhà máy sản xuất. Do đó, việc xây dựng chế độ bảo đảm "sản xuất không gián đoạn" trong bất cứ hoàn cảnh nào là điều rất cấp thiết.
Nghĩa là, đơn vị xin được đề xuất dù trong bất cứ hoàn cảnh bất thường nào thì dây chuyền sản xuất của các nhà máy cũng không dừng hoạt động và vẫn vận hành theo đúng phương châm hướng dẫn chuẩn và lộ trình đã được định sẵn.
Ngoài ra, nếu các tỉnh nơi tập trung chủ yếu các khu công nghiệp có thể thống nhất được một phương châm chuẩn về phòng dịch để việc lưu thông vận chuyển người và hàng hóa được diễn ra thuận lợi thì có thể giảm thiểu thiệt hại trong các tình huống bất thường như dịch bệnh Covid-19.