Giá cà phê sẽ tiếp tục giảm, dự báo "nóng" về vụ thu hoạch của Việt Nam
Nguồn cung cà phê toàn cầu giảm hơn 2,1% so với niên vụ trước
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 21/10), giá cà phê Robusta giảm mạnh, Arabica vẫn tiếp tục giữ xu hướng giá giảm. Giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 11/2022 giảm 44 USD (2,15%), giao dịch tại 2.001 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 1/2023 giảm 45 USD (2,2%), giao dịch tại 1.996 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York, kỳ hạn giao tháng 12/2022 điều chỉnh giảm nhẹ 0,15 Cent (0,08%), giao dịch tại 190,9 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 0,6 Cent/lb (0,32%), giao dịch tại 185,8 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng khá.
Cuối quý III, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) tiếp tục giữ nguyên dự báo về nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021 - 2022 ở mức 167,2 triệu bao, giảm hơn 2,1% so với niên vụ trước. Đồng thời, tiêu thụ được dự báo tăng 3,3% lên mức 170,3 triệu bao. Thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ thâm hụt khoảng 3,1 triệu bao trong niên vụ 2021 - 2022.
Theo báo cáo của Hiệp hội Người trồng cà phê Quốc gia Colombia (FNC), sản lượng cà phê của Colombia trong 9 tháng đầu năm nay đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 8,2 triệu bao.
Riêng trong tháng 9 sản lượng giảm 31%, chỉ đạt 834.000 bao. Sản lượng vụ mùa hiện tại của Colombia tương đối thấp do điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Tại Uganda, hạn hán ở hầu hết vùng trồng cà phê đã làm giảm sản lượng thu hoạch của nước này. Trong khi đó, bệnh gỉ sắt trên lá cà phê đã ảnh hưởng đáng kể đến sản lượng thu hoạch của Honduras.
Brazil đã thu hoạch một vụ mùa kém khả quan trong vụ 2021 - 2022 do “trái vụ” cà phê Arabica, trong khi xuất khẩu cũng gặp khó khăn do tình trạng thiếu container vận chuyển và cước phí tăng cao.
Trong tháng 9, tồn kho cà phê được chứng nhận trên sàn New York đã giảm mạnh 37,2% so với tháng trước, đóng cửa ở mức 0,46 triệu bao. Trong khi đó, tồn kho cà phê Robusta trên sàn London cũng giảm nhẹ 0,8%, đạt 1,59 triệu bao.
Những ngày giữa tháng 10/2022, giá cà phê thế giới tiếp tục giảm. Xu hướng giảm giá dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới. Dữ liệu kinh tế cho thấy lạm phát cơ bản Hoa Kỳ đạt mức cao nhất 40 năm và các đợt tăng lãi suất cơ bản có thể đẩy nền kinh tế hàng đầu vào tình trạng suy thoái và gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu. Đồng Real suy yếu hỗ trợ người dân Brazil đẩy mạnh bán hàng vụ mới để thu về được nhiều nội tệ hơn. Bên cạnh đó, nguồn cung cà phê Robusta dồi dào do Việt Nam bước vào vụ thu hoạch mới.
Trên sàn giao dịch London, ngày 18/10/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 11/2022 và tháng 1/2023 giảm lần lượt 3,6% và 4,4% so với ngày 8/10/2022, xuống còn 2.064 USD/tấn và 2.045 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 3/2023 và tháng 5/2023 cùng giảm 4,5% so với ngày 8/10/2022, xuống còn 2.022 USD/ tấn và 2.010 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 18/10/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ tháng 12/2022, tháng 3/2023, tháng 5/2023 và tháng 7/2023 giảm lần lượt 10,2%, 7,8%, 7,0% và 6,6% so với ngày 8/10/2022, xuống còn 195,55 Uscent/lb; 191,35 Uscent/lb; 189 Uscent/lb và 187,3 Uscent/lb.
Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 18/10/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ tháng 12 và tháng 3/2023 cùng giảm 8,4% so với ngày 8/10/2022, xuống còn 234,65 Uscent/ lb và 231,5 Uscent/lb; kỳ hạn giao tháng 5/2023 và tháng 7/2023 giảm lần lượt 7,6% và 7,0%, xuống còn 231,3 Uscent/lb và 232,4 Uscent/lb.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.109 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 101 USD/tấn (tương đương mức giảm 4,6%) so với ngày 8/10/2022.
Giá cà phê Việt Nam có thể chịu áp lực nguồn cung dồi dào
Trong nước, giá cà phê hôm nay 22/10 tăng 600 đồng/kg so với hôm qua (21/10). Hiện giá cà phê trong nước dao động ở mức 43.900 – 44.300 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê trong nước hôm nay (22/10) ở các tỉnh Tây Nguyên được thu mua với giá từ 43.900 – 44.300 đồng/kg. Hiện giá cà phê tại tỉnh Gia Lai ngày 22/10 tăng 600 đồng/kg, đứng ở mức 44.100 đồng/kg tại huyện Chư Prông; tại thành phố Pleiku và huyện Ia Grai giá là 44.200 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk được thu mua ở mức 44.300 đồng/kg. Tại tỉnh Kon Tum, giá cà phê hôm nay vẫn được thu mua ở mức 44.200 đồng/kg. Tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê được thu mua với mức 43.900 đồng/kg.
Những ngày giữa tháng 10/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa giảm mạnh theo giá thế giới. Ngày 18/10/2022, tại tỉnh Đắk Lắk, giá cà phê Robusta giảm 1.800 đồng/kg so với ngày 10/10/2022, xuống còn 45.000 đồng/kg; tại tỉnh Đắk Nông giảm 1.900 đồng/kg, xuống còn 44.800 đồng/kg; tại tỉnh Lâm Đồng và Gia Lai cùng giảm 2.000 đồng/kg, xuống còn 44.400 – 44.700 đồng/kg.
Giá cà phê Việt Nam có thể chịu áp lực nguồn cung dồi dào vì mùa thu hoạch sắp bắt đầu. Việt Nam đang bước vào thời điểm thu hoạch cà phê Robusta với sản lượng dự kiến sẽ tăng so với vụ mùa trước đó. Điều này sẽ gây áp lực lên giá cà phê vốn đã giảm hơn 10% trong vòng 2 tháng qua. 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên dự kiến thu hoạch được 1,8 tấn cà phê nhân, tăng từ mức 1,76 triệu tấn của năm ngoái
Chuyên gia nhận định, giá cà phê vẫn còn dao động với xu hướng tiêu cực trong ngắn hạn. Bởi áp lực của vụ thu hoạch Robusta mới ở Việt Nam và thu hoạch Arabica mới ở vùng thấp Colombia và các nước khu vực Trung Mỹ bắt đầu gia tăng trên các thị trường kỳ hạn, trong khi nhu cầu tiêu thụ mùa đông không cao như mùa hè. Ngoài ra, tồn kho tại hai sàn tiếp tục sụt giảm do thị trường tiêu thụ bên ngoài có giá cả hấp dẫn hơn.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,34 triệu tấn, trị giá 3,06 tỷ USD, tăng 13,1% về lượng và tăng 37% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Một số ý kiến lo ngại rằng giá vốn đang giảm vì thị trường tiêu thụ lắng xuống nay càng bị áp lực bởi nguồn cung dồi dào khi Việt Nam chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch cà phê. Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam cho rằng trong ngắn hạn chưa có áp lực nhiều vì sản lượng cà phê mọi năm sẽ tăng mạnh từ tháng 11 kéo dài đến tháng 1. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên sản lượng có thể giảm hơn so với mọi năm.
Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ cà phê những tháng cuối năm được cho là khó đoán định vì xung đột Nga - Ukraine, lạm phát tăng cao và nền kinh tế nhiều quốc gia vẫn đang suy thoái. Các chuyên gia cho rằng giá cà phê Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu thế giới suy giảm khi lạm phát tăng cao. Người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên thực phẩm thiết yếu hơn, trong khi cà phê không nằm trong danh mục này.
Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia nhận định lạm phát cũng có nghĩa là sức mua giảm, chi phí tài chính cáo đối với các nhà kinh doanh hàng hóa và chi tiêu công của các chính phủ, ngoài ra nó còn ngăn cản tiết kiệm của người dân. Còn suy thoái lại đồng nghĩa với thất nghiệp, rủi ro vỡ nợ của các doanh nghiệp tăng và kinh tế gia đình khó khăn. Chính vì thế, nên thấy trước lực mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu giảm và sức tiêu thụ cà phê của người tiêu dùng các nước có thể bị hạn chế trong những tháng còn lại trong năm nay, thậm chí qua đến năm sau.