Nguyên nhân chứng khoán liên tục bị bán tháo
Với việc chỉ số VN-Index ngày 23/3 mất 43,14 điểm (tương đương 6,08%), đóng cửa ở mức 666,59 điểm, chứng khoán trong nước đã trải qua phiên giảm mạnh thứ 2 trong 19 năm gần nhất (sau phiên 9/3).
Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số lớn nhất trên sàn HOSE đã giảm xấp xỉ 300 điểm, tương đương hơn 31%. Nếu tính trong 1 tháng qua, chỉ số này cũng đã giảm trên 28%.
Theo ông Lê Vương Hùng, Giám đốc Khối Kinh doanh Môi giới Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tâm lý lo ngại dịch bệnh, khối ngoại bán ròng liên tục, và phải xử lý tài khoản margin là những nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư phải bán tháo cổ phiếu.
Dịch bệnh, khối ngoại bán ròng, và margin
Theo ông Hùng, phiên giao dịch 23/3 thực tế cũng nằm trong xu hướng giảm điểm của VN-Index trong hơn 1 tháng nay.
Nguyên nhân chính khiến thị trường chung đi xuống là do dịch Covid-19 ảnh hưởng tới không chỉ Việt Nam mà cả các nước trên thế giới. Cùng với đó, thông tin về dịch bệnh ngày càng nguy hiểm, phức tạp và khó dự báo.
“Các nền kinh tế lớn trên thế giới lại là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng. Từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản rồi gần đây là EU, Mỹ. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế trong nước”, ông Hùng nói.Cũng theo vị giám đốc công ty chứng khoán này, giữa dịch bệnh về phát triển kinh tế, đa số Chính phủ sẽ chọn sức khỏe của người dân nên việc cách ly, phong tỏa phạm vi rộng cũng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, đặc biệt là sản xuất kinh doanh.
“Theo dự báo, đợt dịch bệnh này sẽ dẫn tới một kỳ suy thoái kinh tế, trước hết là quý I và II. Thậm chí, chuyên gia trên thế giới còn dự báo khủng hoảng kinh tế có thể diễn ra trong năm nay”, ông Hùng chia sẻ.
Trên thị trường chứng khoán, diễn biến khối ngoại cũng có tác động mạnh tới tâm lý nhà đầu tư trong nước khi nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng liên tục khoảng 30 phiên gần nhất. Tính từ đầu năm, nhóm nhà đầu tư này đã bán ròng xấp xỉ 10.000 tỷ đồng.
"Đây là con số quá lớn so với những năm gần đây", ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Hùng cho rằng, sự kiện chiến tranh giá dầu giữa các nước OPEC và Nga cũng là một tác nhân khiến chứng khoán giảm sâu thêm trong bối cảnh đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Chứng khoán sẽ tiếp tục giảm trong tuần này
Vị giám đốc của VDSC cho biết, thực tế nhà đầu tư Việt Nam không lạ với những phiên giảm sốc, từ năm 2008 cho tới giai đoạn 2011-2012 thị trường đã chứng kiến nhiều phiên giảm mạnh đột ngột. Tuy nhiên, với gần 200 mã giảm sàn trên HOSE như phiên 23/3 cũng là sự kiện hiếm có ở Việt Nam.
“Tháng 2/2008, khi VN-Index cũng ở trên mức 800 điểm, thị trường từng giảm gần 190 điểm/tháng, nhưng lần này, khi chưa hết tháng 3, mức giảm đã vượt hồi tháng 2/2008. Rõ ràng diễn biến của thị trường đang rất xấu”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ông nhận định, trong thời gian tới, chắc chắn thị trường vẫn sẽ nằm trong xu hướng giảm để tìm đáy ngắn hạn. Trong tuần này (23-29/3), có thể có phiên tăng nhưng xu hướng đến cuối tuần vẫn sẽ là giảm.
“Đợt suy giảm lần này là do dịch bệnh, vì vậy, khi dịch đạt đỉnh thì đó cũng có thể là lúc thị trường chứng khoán tạo đáy và bắt đầu đi lên”, ông Hùng chia sẻ.
Nếu xét riêng trong tuần này, ông Hùng dự báo, VN-Index sẽ giảm xuống quanh vùng 600 điểm. Đây cũng là vùng được giới đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ tạo đáy trung, dài hạn.
Cũng theo vị chuyên gia, những phiên giảm mạnh như 23/3 rất dễ giúp thị trường tạo đáy 1-2 năm. Ngoài ra, nếu tính từ đỉnh 1.200 điểm hồi tháng 4/2018, mức giảm cũng đã gần chạm ngưỡng 50%.
“Với lượng bán hôm nay, đầu phiên ngày mai thị trường sẽ tiếp tục giảm mạnh, có thể về gần ngưỡng 600 điểm. Giảm 50% từ đỉnh là mức chiết khấu quá lớn của thị trường Việt Nam. Mỗi cổ phiếu đều có mức giá hợp lý, thị trường không thể giảm mãi”, ông nhấn mạnh.
Theo ông Hùng, điều quan trọng nhất với thị trường hiện nay chính là vượt qua dịch bệnh. Bởi với những lợi thế của Việt Nam, ngay khi hết dịch Chính phủ sẽ có rất nhiều gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và đà phục hồi sẽ đến rất nhanh.