Nhà cung cấp của Apple dấn thân vào thị trường máy thở, tham vọng sản xuất 30.000 máy/ tháng

04/04/2020 17:26 GMT+7
Flex Ltd., một đối tác của Apple chuyên sản xuất linh kiện máy tính cho nhà Táo mới đây cho biết đang lắp ráp hàng ngàn máy thở để đáp ứng nhu cầu trong nước khi số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ tiếp tục tăng mạnh.
Nhà cung cấp của Apple dấn thân vào thị trường máy thở, tham vọng sản xuất 30.000 máy/ tháng - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang sản xuất máy thở khi nhu cầu máy thở toàn cầu tăng mạnh do dịch Covid-19

Flex Ltd., công ty có trụ sở tại San Jose, California tham vọng sản xuất 25.000-30.000 máy thở mỗi tháng trong tháng 5 và tháng 6 tới, theo tuyên bố của John Carlson, người đứng đầu bộ phận giải pháp y tế của Flex. Nhu cầu máy thở đang lên đến hàng triệu chiếc khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu, với 1.094.195 ca nhiễm và 58.757 ca tử vong, theo số liệu tính đến sáng 4/4 cập nhật bởi Tổ chức Y tế Thế giới. 

Covid-19 là căn bệnh đường hô hấp do virus corona gây ra, do đó máy thở là phương tiện y tế cần thiết để cứu sống hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn ca bệnh nặng đang đối diện với nguy cơ tử vong. Hôm 3/4; thống đốc các bang New York và New Jersey, một trong hai khu vực dịch bệnh bùng phát mạnh nhất tại nước Mỹ đã ra lệnh vận chuyển khẩn cấp tất cả các máy thở không sử dụng tại các cơ sở y tế để phân phối cho những bệnh viện đang điều trị bệnh nhân Covid-19. Mỹ hiện là ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới với 273.880 ca nhiễm và 7.087 ca tử vong. 

Trước khi dịch bệnh bùng phát, Flex Ltd. kiếm khoảng 2 tỷ USD doanh thu mỗi năm thông qua sản xuất các thiết bị y tế. Nhưng máy thở thường được sản xuất bởi các công ty thiết bị y tế chuyên biệt, do đó đây là địa hạt mới với doanh nghiệp chuyên sản xuất theo yêu cầu như Flex. Dù vậy, giám đốc John Carlson cho biết Flex có đủ năng lực để đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất máy thở trong bối cảnh Mỹ đang cần hơn bao giờ hết nguồn cung máy thở để cứu sống người bệnh. Hiện Flex có các nhà máy đặt tại Mỹ, Mexico, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên toàn cầu, với năng lực mua sắm linh kiện, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất và quy định của quốc gia địa phương. 

Hiệp hội hồi sức cấp cứu Mỹ ước tính nguy cơ có tới 960.000 bệnh nhân sẽ cần hỗ trợ máy thở ở Mỹ khi số ca nhiễm bệnh tăng lên, nhưng nước Mỹ hiện chỉ có 200.000 máy thở như vậy. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA thậm chí đã phải cấp phép cho nhiều công ty máy thở tại Trung Quốc và các quốc gia khác trên thế giới đưa sản phẩm vào thị trường dựa trên một quy tắc khẩn cấp, trong nỗ lực xoa dịu nguồn cung máy thở thiếu hụt.

Không riêng Mỹ, tại nhiều quốc gia khác, nguồn cung máy thở cũng là vấn đề nan giải. Các bác sĩ tại Italy, ổ dịch lớn thứ hai thế giới thậm chí phải phân loại bệnh nhân để nhường máy thở cho bệnh nhân có triệu chứng nặng, nguy hiểm hơn. 

Nhiều công ty khác, bao gồm cả các đối thủ kinh doanh của Flex cũng đang chuyển hướng sang sản xuất máy thở nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Trước đó, Tổng thống Trump thậm chí buộc phải gây áp lực cho các gã khổng lồ sản xuất ô tô bao gồm Ford và General Motor để sản xuất máy thở phục vụ các bệnh viện. Nhưng Carlson nhận định sẽ khó khăn để Ford hay GM chế tạo máy thở, do họ không có kinh nghiệm sản xuất thiết bị y tế. Sẽ mất nhiều thời gian để chuyển từ dây chuyền sản xuất ô tô sang sản xuất máy thở và ngược lại. 

Chủ tịch Công ty Thiết bị Y tế Điện tử Thâm Quyến Mindray Li Xiting, người giàu nhất Singapore mới đây đã chứng kiến khối tài sản tăng 3,5 tỷ USD do cổ phiếu Mindray tăng vọt 40% vì các đơn đặt hàng máy thở Mindray từ khắp Châu Âu và Mỹ. Nhiều doanh nghiệp máy thở nói riêng và thiết bị vật tư y tế nói chung cũng chứng kiến cổ phiếu leo dốc do nhu cầu tăng vọt thúc đẩy bởi sự bùng phát đại dịch.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục