Nhà đầu tư lướt sóng bất động sản 'ngủ đông'
Giám đốc Công ty Tín Thành, ông Đoàn Quốc Duyệt chia sẻ khảo sát nhanh hành vi của các nhà đầu tư bất động sản TP HCM trong 11 tháng qua, có đến 7-8 tháng giới đầu tư ngắn hạn không còn cơ hội buôn nhanh bán vội. Những nhà đầu tư ngắn hạn này thuộc nhóm lướt sóng mua bán chốt lời trong 3-6 tháng nhưng đều thất thủ nhiều tháng qua. Nguyên nhân là do thị trường giảm tốc, nguồn cung hạn hẹp, thanh khoản giảm, tâm lý người mua xuống thấp, không khí trầm lắng kéo dài.
Ông Duyệt phân tích, nhà đầu tư lướt sóng bất động sản tại TP HCM chia ra 2 nhóm. Thứ nhất là nhóm lướt sóng chuyên nghiệp và thứ nhì là lướt sóng theo đám đông. Nhóm nhà đầu tư lướt sóng chuyên nghiệp là những người nắm trước nhiều thông tin và gần như là tay tạo sóng đầu đàn nhưng cũng rút lui rất sớm khi thị trường chuyển biến xấu. Người lướt sóng nghiệp dư mua theo các kênh thân quen như: môi giới, bạn bè, kênh truyền miệng... và vẫn còn bị kẹt lại giữa dòng khi thị trường giảm tốc mạnh dần.
Ở thời kỳ hoàng kim của bất động sản, từ lúc thị trường bắt đầu khởi sắc chậm chạp năm 2014, tăng tốc từ năm 2015 đến quý II/2018, nhà đầu tư lướt sóng thường "đánh đâu thắng đó". Họ mua bán nhanh chốt lời nhanh, thậm chí tỷ suất sinh lời cao, gấp 1,5-2 lần. Đây là những lần lướt sóng chiến thắng nhờ may mắn, việc chốt lời quá dễ dàng là do thị trường nóng sốt. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 đến nay là giai đoạn giới đầu tư lướt sóng chật vật ra hàng, buộc phải nghỉ đông vì địa ốc bước vào mùa lặng gió, không còn sóng để lướt.
Từ quý đầu quý II/2019 đến nay nhiều nhà đầu tư địa ốc ngắn hạn đang phải chôn vốn thậm chí lỗ chi phí tài chính (khoản vay) vì ôm hàng không bán được. Bất động sản mua vào dễ nhưng bán ra rất chậm, tỷ suất sinh lời bằng không hoặc thấp dưới ngưỡng kỳ vọng do thủ tục pháp lý bất động sản kéo dài và tâm lý thị trường yếu.
"Tính đến đầu tháng 12/2019, dân lướt sóng "cóng tay" không mua bán gì đáng kể vì thị trường trầm lắng kéo dài. Nhiều tay buôn làm cả năm không có đồng lãi nào, thậm chí lỗ vì nhiều nhóm nhà đầu tư lướt sóng dùng toàn vốn vay", ông Duyệt nhận xét.
Thậm chí, hiện nay thị trường xuất hiện tình trạng một số chủ đầu tư bắt đầu áp dụng chính sách hạn chế khách hàng và môi giới mua bất động sản dự án chỉ để lướt sóng. Chính sách ràng buộc phổ biến như: chỉ được giao dịch cho khách hàng F2 khi đã ký xong hợp đồng mua bán (hạn chế nhà đầu tư thứ cấp sang tay tràn lan), môi giới mua sỉ để bán lẻ ngoài khoản tiền ký quỹ ra vẫn phải đóng tiền đúng theo tiến độ nếu ôm hàng lại.
Trong 11 tháng qua, thị trường bất động sản bị ảnh hưởng rất nhiều trực tiếp từ chính sách của nhà nước liên quan đến pháp lý và thị trường tài chính - ngân hàng (siết cho vay bất động sản có lộ trình). Đây là động thái có chủ đích để giảm sức nóng của thị trường sau những đợt sốt đất 2015-2018 và chấn chỉnh thị trường chuyên nghiệp hơn.
Ông Duyệt dự báo, với thực trạng thị trường hiện nay, các nhà đầu tư lướt sóng phân hóa thành nhiều trường phái. Nhóm vốn ít vay nhiều đã mắc cạn giữa dòng đang phải loay hoay tháo gỡ khó khăn. Nhóm vốn ít nhát tay gần như không mua bán gì trong năm 2019. Những nhà đầu tư lướt sóng có tài chính mạnh (vốn tự có) bắt đầu đổi chiến thuật sang đầu tư dài hạn và chấp nhận lợi nhuận thấp hơn nhưng độ an toàn được ưu tiên hàng đầu. "Đã đến lúc nhà đầu tư lướt sóng Sài Gòn bắt đầu chuyển hướng sang đầu tư bất động sản bài bản chuyên nghiệp và bền vững hơn", ông Duyệt nói.