Nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc bất ngờ hủy niêm yết trên sàn chứng khoán New York

25/05/2019 09:13 GMT+7
SMIC, nhà sản xuất con chíp lớn nhất Trung Quốc mới đây tuyên bố rút khỏi Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), chấm dứt 15 năm niêm yết tại thị trường Mỹ giữa lúc xung đột thương mại giữa Bắc Kinh và Washington trở nên ngày một căng thẳng.

Vào tối 24/5, SMIC bất ngờ thông báo về đề xuất hủy niêm yết tự nguyện tại NYSE để rút khỏi thị trường chứng khoán Mỹ.

Trong văn kiện gửi đến sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong, nơi cổ phiếu SMIC đang được duy trì niêm yết, công ty này đã viện dẫn lý do khối lượng giao dịch ADR thấp cùng với chi phí duy trì niêm yết cao tại NYSE. “Từ lâu, SMIC đã xem xét việc hủy niêm yết tại NYSE, điều này không liên quan gì đến 'sự cố Huawei' cũng như xung đột thương mại thời gian vừa qua” - người phát ngôn của SMIC cho hay.

Cổ phiếu của SMIC bắt đầu niêm yết trên sàn giao dịch Hong Kong và Mỹ kể từ 3/2004. Dự kiến, việc hủy niêm yết sẽ diễn ra sau ngày 13/6 sắp tới. Dù SMIC lên tiếng khẳng định hành động này không liên quan đến xung đột thương mại Mỹ -Trung, nhiều ý kiến vẫn cho rằng các lệnh hạn chế thương mại nhiều khả năng đã tác động đến quyết định của SMIC.

Nguồn tin từ tờ New York Times hồi giữa tuần qua cho hay, sau Huawei, Mỹ đang xem xét đưa 5 công ty công nghệ Trung Quốc khác vào danh sách đen do các cáo buộc vi phạm lợi ích an ninh quốc gia. Dễ nhận thấy, cuộc chiến tranh thương mại đang có nguy cơ chuyển thành chiến tranh công nghệ; gây tác động lớn đến các tập đoàn công nghệ Trung Quốc và Mỹ, trong đó có SMIC.

Bên trong nhà máy của SMIC tại Bắc Kinh

Ngay sau thông báo đột ngột này, giá cổ phiếu SMIC trên thị trường giao dịch chứng khoán Mỹ đã giảm sâu 5%. Giá cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong cũng giảm 4.3%, xuống còn 8.42 USD vào cuối ngày 24/5.

Trong một diễn biến liên quan, sau khi chính quyền Tổng thống Trump quyết tâm “triệt hạ” Huawei bằng cách đưa đế chế viễn thông này vào danh sách đen, Trung Quốc ngay lập tức có hành động bảo vệ các tập đoàn công nghệ nước nhà.

Bắc Kinh đã kịp thời đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất chíp điện tử để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ nước ngoài. Bộ Tài chính nước này cho phép các nhà sản xuất con chip và phát triển phần mềm vi mạch được miễn thuế doanh nghiệp trong vòng 2 năm kể từ năm 2019 và được hưởng mức thuế ưu đãi 50% trong 3 năm tiếp theo.

Là nhà sản xuất con chíp lớn nhất Trung Quốc, SMIC đương nhiên được chính phủ nước này quan tâm hỗ trợ. Một quỹ đầu tư và phát triển công nghệ liên kết với chính phủ thành lập năm 2014 đã đổ tiền vào SMIC cho những dự án nghiên cứu dài hơi.

SMIC là đối tác quen thuộc của Huawei và là một trong những công ty công nghệ Trung Quốc thành công trên thị trường Mỹ. SMIC từng đầu tư 280 triệu USD vào một dây chuyền lắp ráp công nghệ tiên tiến hợp tác cùng Qualcomm năm 2015. Ước tính trong năm 2018, hoạt động sản xuất con chíp mang về cho SMIC 3.36 tỷ USD.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục