Nhận định thị trường phiên giao dịch chứng khoán ngày 10/10: Giữ danh mục ở mức an toàn

10/10/2022 06:27 GMT+7
Mặc dù định giá nhiều cổ phiếu đã về vùng hấp dẫn, nhưng những lo ngại về tương lai đang khiến thị trường giảm để chiết khấu cho các rủi ro. Trong các giai đoạn tâm lý thị trường quá tiêu cực thì các mốc hỗ trợ luôn tỏ ra kém hiệu quả.

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 10/10.

Nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi

CTCK Tân Việt (TVSI)

Phiên giảm điểm cuối tuần trước khiến VN-Index tiếp tục đi tìm đáy mới và cách giảm điểm với nhiều cổ phiếu bị bán tháo cho thấy tâm lý thị trường đang hoảng loạn. Chúng tôi cho rằng rủi ro ngắn hạn hiện vẫn rất lớn và cơ hội tạo đáy vẫn chưa xuất hiện.

Mặc dù định giá nhiều cổ phiếu đã về vùng hấp dẫn, nhưng những lo ngại về tương lai đang khiến thị trường giảm để chiết khấu cho các rủi ro. Trong các giai đoạn tâm lý thị trường quá tiêu cực thì các mốc hỗ trợ luôn tỏ ra kém hiệu quả.

Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi thêm cho tới khi thị trường hình thành được vùng cân bằng trở lại và xuất hiện những dấu hiệu tạo đáy vững chắc hơn để giải ngân.

Giữ danh mục ở mức an toàn

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Do ngưỡng hỗ trợ quanh 1.075 điểm của VN-Index không thể ngăn chặn đà giảm, thị trường lao dốc và tiếp tục hành trình tìm đáy mới gần khu vực 1.000 điểm.

Với đà giảm sâu, thị trường đã xuất hiện dòng tiền mua giá thấp trong phiên chiều, thể hiện qua diễn biến “rút chân” đi kèm với khối lượng khớp lệnh tăng vượt trung bình 20 phiên.

Dù vậy, trạng thái giao dịch ở vùng giá cao vẫn chưa có tín hiệu cải thiện, do đó thị trường vẫn chưa có tín hiệu chắc chắc cho một nhịp hồi phục chất lượng.

Hiện tại, vùng hỗ trợ gần nhất và có thể kiềm hãm được đà giảm này là 1.000 +/- 10 điểm của VN-Index.

Với dự báo này, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng quan sát diễn biến thị trường, giữ danh mục ở mức an toàn và chờ động thái hỗ trợ tiếp theo của dòng tiền.

Không bắt đáy sớm, kiên nhẫn chờ đợi VN-Index xuất hiện chuỗi phiên tích lũy

CTCK Vietcombank (VCBS)

Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đã xuyên thủng qua mốc 1.050 điểm tương đương với thang đo Fibonacci mở rộng 0,618 tính từ đỉnh tháng 4 và chưa có bất cứ tín hiệu chững lại.

Bên cạnh đó chỉ báo ADX đã dâng lên trên 50 cho thấy việc VN Index tiếp tục giảm điểm mạnh là hoàn toàn có thể xảy ra.

Xét về khung đồ thị tuần, VN-Index đang bước vào nhịp sóng 3 trong chu kỳ giảm và đang hướng về về khu vực quanh 995 điểm. Nếu tình hình tệ hơn, thì xác suất chỉ số chung lùi sâu về khu vực 900 điểm tương ứng với ngưỡng 1,0 của thang đo Fibonacci mở rộng là cần được tính đến.

Chúng tôi giữ nguyên quan điểm, khuyến nghị các nhà đầu tư không bắt đáy sớm, kiên nhẫn chờ đợi VN-Index xuất hiện chuỗi phiên tích lũy lại để tạo điểm cân bằng để hạn chế tối đa rủi ro.

Mua thăm dò ở mốc 1.030 điểm

CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI)

Xét trên biểu đồ tuần cho thấy xu hướng giảm là rất mạnh, nó như một cơn lũ đã càn quét hết các ngưỡng hỗ trợ tâm lý mạnh trong 3 tuần vừa qua, thậm chí còn cắt sâu xuống đường trung bình MA(200).

Khó có thể tìm thấy ngưỡng hỗ trợ chắc chắn để xoa dịu cơn hoảng loạn bán tháo trong mấy phiên gần đây. Tuy nhiên, xét về định giá, đây là vùng khá hấp dẫn khi P/E của thị trường chung đang thấp hơn P/E của tiền gửi ngân hàng với lãi suất 7-8% hiện nay, biên độ lợi nhuận của thị trường đang cao hơn gửi tiết kiệm từ 10% tới 21%.

Dù vậy, không loại trừ khả năng quán tính giảm điểm sẽ đẩy Vn-Index xuống test ngưỡng hỗ trợ kỳ vọng 980-1.030 điểm trong tuần sau. Nên việc dò đáy cũng rất rủi ro trong ngắn hạn.

Chúng tôi đã khuyến nghị mua thăm dò ở mốc 1.030 điểm, thậm chí chờ thêm nhịp test ở mốc 980 điểm. Đây là thời điểm chúng ta nên mạo hiểm hơn so với việc phải sợ hãi, tuy nhiên vẫn hạn chế tuyệt đối sử dụng margin.

Nhiều cổ phiếu đã giảm qua cả đáy covid

CTCK MB (MBS)

Tâm lý nhà đầu tư đang ở mức “cùng cực” khi lại tiếp tục một phiên giảm mạnh của thị trường, hơn 400 cổ phiếu giảm điểm ở sàn HOSE, trong đó có tới 126 cổ phiếu đóng cửa ở mức giá sàn, một con số kỷ lục.

Nhìn ra chứng khoán thế giới, các thị trường lớn đều phục hồi trong tuần này, nhịp phục hồi quanh mức tăng 4%, do vậy khó có thể nói chứng khoán thế giới tác động tiêu cực đến thị trường trong nước.

Chỉ số VN-Index đã giảm 6 tuần liên tiếp, chuỗi giảm tương đương hồi tháng 5 vừa qua, chỉ số này đã mất gần 31% kể từ đầu năm và xuyên qua các ngưỡng hỗ trợ, rất gần vùng hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm (trước nhịp giảm hồi covid).

Thanh khoản 2 phiên vừa qua đã tăng lên cho thấy có dòng tiền bắt đáy, tuy nhiên dòng tiền mua ở thời điểm này sẽ đầu tư dài hạn do vậy quá trình giải ngân có thể kéo dài, chưa có tín hiệu của dòng tiền nóng.

Nhà đầu tư có thể chuẩn bị lựa chọn cổ phiếu cho danh mục khi nhiều cổ phiếu đã giảm qua cả đáy covid, cũng như có nhiều cổ phiếu đã giảm 50-60% kể từ đầu năm, mức P/E của thị trường hiện giảm còn 11 lần, chỉ sau hồi covid 10,7 lần.

Không nên giao dịch trong giai đoạn này

CTCK BIDV (BSC)

Trong phiên cuối tuần trước, mở cửa với gap âm, sau đó VN-Index chịu áp lực bán tháo trong cả phiên sáng. Sang đến phiên chiều, đà giảm có dấu hiệu chững lại, thị trường giằng co trong vùng 1.020-1.040 điểm trước khi đóng cửa giảm gần 39 điểm so với phiên trước đó.

Độ nghiêng về phía tiêu cực với 17/19 ngành chìm trong sắc đỏ, ngành duy nhất giữ được sắc xanh nhạt dầu khí. Các cổ phiếu vốn hóa lớn là tác nhân gây giảm điểm chính khi 26/30 mã thuộc nhóm VN30 giảm điểm, trong đó có 8 mã giảm sàn.

Lực cầu bắt đáy đã xuất hiện ở vùng 1.035 điểm, tuy nhiên tâm lý thị trường hiện tại vẫn đang tiêu cực, nhà đầu tư không nên giao dịch trong giai đoạn này.

Theo Đầu tư Chứng khoán
Cùng chuyên mục