Nhận 'đòn đau' từ Bắc Kinh, Alibaba vội vã rót 15 tỷ USD vào sáng kiến mới của ông Tập

03/09/2021 14:41 GMT+7
Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba tuyên bố sẽ đầu tư 100 tỷ Nhân dân tệ (15,5 tỷ USD) cho sáng kiến “thịnh vượng chung” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kêu gọi gần đây.

Theo tuyên bố của Alibaba, gã khổng lồ công nghệ này sẽ đầu tư 100 tỷ Nhân dân tệ vào 10 sáng kiến bao gồm đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế, tạo việc làm chất lượng cao và hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương trong nền kinh tế. Động thái được đưa ra sau khi hồi tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết của chính sách tạo ra sự thịnh vượng chung cho toàn nền kinh tế.

Cụ thể, ông Tập Cận Bình kêu gọi “điều chỉnh hợp lý mức lợi nhuận quá cao, đồng thời khuyến khích các nhóm có thu nhập cao và doanh nghiệp đưa tiền trở lại xã hội nhiều hơn” để xoa dịu tình trạng bất bình đẳng thu nhập trong toàn nền kinh tế.

Nhận 'đòn đau' từ Bắc Kinh, Alibaba vội vã rót 15 tỷ USD vào sáng kiến mới của ông Tập - Ảnh 1.

Nhận 'đòn đau' từ Bắc Kinh, Alibaba vội vã rót 15 tỷ USD vào sáng kiến mới của ông Tập (Ảnh: Getty Images)

Thuật ngữ “thịnh vượng chung” đã nổi lên như một chủ đề cơ bản của các cuộc thảo luận chính trị gần đây ở Trung Quốc. Thuật ngữ này thường được hiểu là sự giàu có vừa phải cho tất cả mọi người, thay vì chỉ một số ít cá nhân trong nền kinh tế.

Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã ghi nhận tình trạng bất bình đẳng thu nhập ngày một tăng. Tính đến năm 2015, 10% dân số giàu nhất quốc gia nắm giữ tới 41% thu nhập quốc dân trong khi vào năm 1978, tỷ lệ này mới là 27%. Đây là số liệu dựa trên ước tính được công bố vào năm 2019 của nhóm nghiên cứu Trường Kinh tế Paris, dẫn đầu là giáo sư Thomas Piketty. Trong khi đó, 50% dân số có thu nhập thấp hơn trong nền kinh tế chỉ nắm giữ 15% thu nhập quốc dân, giảm từ mức 27% vào năm 1978, cũng theo nghiên cứu.

Thực tế gần đây, Bắc Kinh đang khuyến khích các tỷ phú cũng như công động doanh nghiệp hướng tới công tác từ thiện để tái phân bổ thu nhập trong nền kinh tế. 

“Alibaba đã hưởng lợi từ sự tiến bộ kinh tế và ổn định xã hội ở Trung Quốc trong suốt 22 năm qua. Chúng tôi tin rằng nếu xã hội phát triển và nền kinh tế tăng trưởng thì đó sẽ là môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của Alibaba” - CEO Daniel Zhang cho hay. “Chúng tôi muốn đóng góp phần của mình để hỗ trợ mục tiêu thịnh vượng chung thông qua phát triển các lĩnh vực chất lượng cao”.

Đáng chú ý, Alibaba không phải gã khổng lồ công nghệ duy nhất cam kết ủng hộ lời kêu gọi “thịnh vượng chung” của chính phủ Bắc Kinh. Tháng trước, Tencent tuyên bố sẽ tăng gấp đôi số tiền đầu tư cho các sáng kiến xã hội lên 100 tỷ Nhân dân tệ. Số tiền này sẽ được phân bổ đến các khu vực nông thôn xã xôi để phục hồi kinh tế, tăng thu nhập cho nhóm lao động có thu nhập thấp.

Loạt động thái này được Alibaba và Tencent đưa ra giữa thời điểm Bắc Kinh liên tục siết chặt quy định pháp lý trong hàng loạt lĩnh vực, bao gồm lĩnh vực công nghệ, khiến vốn hóa hai gã khổng lồ này bốc hơi tổng cộng 330 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm.

Hàng loạt tỷ phú Trung Quốc cũng bất ngờ trở nên hào phóng trong năm qua sau những tín hiệu từ Bắc Kinh. Chẳng hạn, hồi tháng 3, sau khi từ chức Chủ tịch hãng thương mại điện tử khổng lồ Pinduoduo, tỷ phú Colin Huang cũng quyên góp 1,85 tỷ USD cho một quỹ giáo dục. Đầu năm nay, nhà sáng lập He Xiangjian của đế chế thiết bị gia dụng Midea và Chủ tịch đế chế bất động sản Evergrande Xu Jiayin cũng quyên góp lần lượt 975 triệu USD và 370 triệu USD cho các chương trình xóa đói giảm nghèo, chăm sóc y tế và giáo dục văn hóa.

Chủ tịch kiêm nhà sáng lập hãng giao hàng thực phẩm khổng lồ Meituan Wang Xing gần đây đã quyên góp số cổ phiếu trị giá 2,7 tỷ USD cho tổ chức từ thiện nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học và giáo dục. 

Danh sách các tỷ phú Trung Quốc dốc hầu bao làm từ thiện còn bao gồm Zhang Yiming, nhà sáng lập ByteDance - công ty mẹ TikTok với số tiền 77 triệu USD quyên góp cho quỹ giáo dục quê hương tại thị trấn Long Nham, tỉnh Phúc Kiến. Cựu vận động viên lặn Olympic nổi tiếng Guo Jingjing cũng quyên góp 10 triệu USD cho thành phố Vũ Hán, tâm chấn đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên tại Trung Quốc hồi đầu năm ngoái.


NTTD
Cùng chuyên mục