Nhiều điểm nghẽn, dệt may Việt Nam đang bất lợi ở cửa xuất khẩu?
Thách thức từ thương chiến Mỹ -Trung và việc tận dụng FTA
Báo cáo vừa công bố củaCông ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho biết cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang mang đến nhiều khó khăn cho ngànhdệt mayhơn là lợi ích.
Số liệu thống kê của công ty cho thấy số lượng và qui mô các đơn hàng đều sụt giảm trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa lắng dịu. Tâm lí lo ngại bất ổn khiến hầu hết thị trường xuất khẩu chủ lực của dệt may Việt Nam tăng trưởng chậm lại.
Bên cạnh đó, tiền đồng đi ngang kể từ đầu năm trong khi đồng nội tệ của các nước đối thủ về dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan mất giá mạnh hơn khiến xuất khẩu dệt may của Việt Nam thêm bất lợi.
VNDIRECT cho rằng đây là các yếu tố chính khiến tổng doanh thu của các doanh nghiệpniêm yết trong 9 tháng đầu năm giảm 1,6% so với cùng kì năm ngoái.
Cụ thể, Công ty cổ phần May Việt Tiến (VGG) là doanh nghiệp có mức giảm mạnh nhất trong số này với 13,6%. Còn doanh thu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT) kém 950 tỉ đồng so với cùng kì.
Và hơn một nửa các doanh nghiệp dệt may niêm yết lớn cũng có mức tăng trưởng âm do số lượng và quy mô các đơn hàng giảm xuống do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và biên lợi nhuận gốc giảm do giá bán trung bình thấp hơn, đặc biệt là các nhà sản xuất sợi nguyên sinh.
Ngoài ra, theo VNDIRECT, việc đáp ứng qui tắc xuất xứ theo Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ về Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tức từ sợi trở đi và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) từ vải trở đi vẫn còn là một thách thức do nút thắt trong khâu sản xuất vải.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may và Thêu đan TPHCMtrao đổi với người viết tại Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may, phụ kiện dệt may, máy móc và nguyên phụ liệu da giày và công nghiệp nhuộm - hoá chất (VTG), cũng cho biết có đến 60% nguyên liệu sản xuất ngành dệt may phải phụ thuộc nguồn nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc.
Trong khi đó, các mặt hàng dệt may hiện nay cũng chưa tận dụng được những cơ hội từ Hiệp định CPTPP và EVFTA.
Tính đến thời điểm hiện tại, sau hơn 10 tháng CPTPP có hiệu lực nhưng việc cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc vào các cơ quan hữu quan, trong khi những nước thành viên CPTPP đã cho phép các doanh nghiệp tự chứng nhận.
Ngoài ra, yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi, nghĩa là từ công đoạn kéo sợi, dệt nhuộm vải đều phải thực hiện trong khu vực CPTPP là thách thức không nhỏ, vì các doanh nghiệp dệt may đang phải nhập khẩu hơn 60% nguyên phụ liệu ngoài khu vực CPTPP.
Ngành dệt may sẽ khó tận dụng được hết các cơ hội, thậm chí còn gặp khó với CPTPP, bởi nếu không đảm bảo được qui tắc xuất xứ, hàng hóaViệt Nam xuất đi sẽ không được hưởng ưu đãi thuế, ông Hồng cho hay.
Tháo "nút thắt" về nguyên liệu và công nghệ
Dù vậy, báo cáo của VNDIRECT chỉ ra rằng điểm sáng của dệt may Việt Nam trong giai đoạn này là gia tăng thị phần tại thị trường Mỹ cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu. Dệt may xuất khẩu vào thị trường này mang về hơn 11,2 tỉ USD trong 8 tháng đầu năm.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK), Công ty cổ phần May Sông Hồng (MSH)... nhờ thay đổi cơ cấu sản phẩm nên cải thiện được biên lợi nhuận gộp.
"Dệt may Việt Nam sẽ trở lại đà tăng trưởng tốt nhờ lợi ích đáng kể từ các hiệp định thuơng mại tự do. Việc đa dạng điểm đến xuất khẩu cũng giúp ngành giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ và đảm bảo triển vọng tươi sáng trong bối cảnh bất ổn có thể kéo dài", VNDirect dự báo.
Còn theo Chủ tịch Hội thuê đan TP HCM, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 thế giới, với mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng 10,8%/năm. Riêng trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may dự báo đạt hơn 40 tỉ USD.
Mặc khác Việt Nam đang duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài với nhiều quốc gia thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đã trở thành điểm đến lí tưởng cho hoạt động đầu tư và sản xuất.
Hơn nữa, để đảm bảo sự phát triển bền vững, chính phủ Việt Nam đã liên tục khuyến khích và hỗ trợ hoạt động nâng cấp thiết bị và máy móc cho các doanh nghiệp sản xuất, tăng cường đào tạo nhân lực và thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp.
Do đó, trường hợp doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu sẽ được hưởng chính sách ưu đãi về chi phí thuê đất, thuế nhập khẩu trang thiết bị máy móc, dây chuyền sản xuất, thuế thu nhập doanh nghiệp…
Đây là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào phân khúc này.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn xem hai hiệp định CPTPP và EVFTA là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường và hưởng ưu đãi thuế.
Tuy nhiên, để hưởng lợi từ các FTA, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng Việt Nam cần bổ sung 1,7 tỉ mét vải để sản xuất trong năm nay và năm 2020.
Nếu không tìm nguồn cung từ nhập khẩu, Việt Nam sẽ cần đầu tư 1,7 tỉ USD cho sản xuất vải. Đến năm 2025, cả nước cần thêm 10 tỉ mét vải, tương đương với khoản đầu tư lên đến 10 tỉ USD.
Còn ông Phậm Xuân Hồng cho rằng việc tham gia chuỗi triển lãm VTG 2019 với 800 gian hàng đại diện cho 550 thương hiệu từ 17 quốc gia và khu vực như: Bangladesh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ... cũng là một trong những giải pháp để doanh nghiệp giải quyết vấn đề nguồn nguyên liệu.
Đồng thời, triển lãm cũng tập trung các nhà cung ứng hàng đầu thế giới trưng bày giải pháp sản xuất tối ưu nhất với những công nghệ máy thêu độ phân giải cao, máy in màn hình dệt, máy dệt kim tròn tự động với tính linh hoạt cao... sẽ giúp cho doanh nghiệp dệt may kịp thời cập nhật những xu hướng công nghệ của thị trường thế giới và đầu tư thuận lợi hơn.
Nguyên nhân là hiện nay, doanh nghiệp đang tập trung khai thác các đơn hàng đòi hỏi kĩ thuật cao, tận dụng tối đa nguồn nhân lực tay nghề cao trong nước, cũng như đáp ứng thời gian giao hàng nhanh, chính xác, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của khách hàng, ông Hồng phân tích.