Nhiều doanh nghiệp EU tổn thất 20% doanh thu do dịch virus corona, Đức thiệt hại nặng nề nhất

28/02/2020 17:19 GMT+7
Dịch virus corona ngày càng tác động xấu đến kinh tế khu vực và toàn cầu, trong đó doanh nghiệp Châu Âu đang hoạt động tại Trung Quốc cũng không thoát khỏi tầm ảnh hưởng của đại dịch này.

Với chuỗi cung ứng đình trệ và quy trình sản xuất tạm ngưng, chỉ số đầu tư cảm tính ở Trung Quốc được dự đoán duy trì mức thấp trong khoảng thời gian dài, theo một khảo sát mới nhất được thực hiện bởi Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc và Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc.

Theo đó, các doanh nghiệp Châu Âu được khảo sát đề nghị có “biện pháp xác định tương thích” thời gian có thể tiếp tục đi vào kinh doanh sản xuất. Cũng theo khảo sát này, gần nửa doanh nghiệp Châu Âu tham gia khảo sát dự đoán doanh thu trong nửa đầu năm 2020 giảm hơn 20%, và giảm mục tiêu doanh thu trong cả năm.

Nhiều doanh nghiệp EU tổn thất 20% doanh thu do dịch virus corona, Đức thiệt hại nặng nề nhất - Ảnh 1.

Dịch virus corona bắt đầu tác động đáng kể đến các doanh nghiệp Châu Âu hoạt động tại Trung Quốc

Hơn 600 công ty Châu Âu ở Trung Quốc phần lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp như máy móc, xe hơi, điện tử, hóa chất và dịch vụ. Khảo sát cho thấy ảnh hưởng của dịch virus corona khá phức tạp và phổ quát, do đó, chỉ số cảm tính đầu tư lâu dài sẽ không còn như trước. Trước đó, thương chiến Mỹ - Trung đã là yếu tố cảnh tỉnh với các doanh nghiệp Châu Âu để không quá phụ thuộc vào các mối quan hệ đa phương toàn cầu trong kinh tế, bùng nổ dịch virus corona chỉ càng khẳng định thêm các doanh nghiệp này cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Jorg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương mại EU, “Trung Quốc đang kiểm soát khủng hoảng khá tốt,” và nói thêm rằng theo kinh nghiệm đúc kết trong 4 thập kỉ trở lại đây, sự ngưng trệ trong sản xuất có thể được khắc phục bằng việc mở rộng các thị trường.

Hơn một nửa số doanh nghiệp khảo sát cho rằng họ sẽ không thể đáp ứng đúng kì hạn giao hàng bởi sự gián đoạn trong quy trình vận chuyển, thiếu nhân công và trì hoãn sản xuất do thiếu nguồn cung cấp. Các công ty này cũng đồng thời phải gặp phải vấn đề dòng tiền, chi phí gia công, và khó khăn trong việc đưa ra quyết định đầu tư. Yêu cầu cách ly 14 ngày cũng khiến việc giao thương hay di chuyển trong kinh doanh gặp nhiều trở ngại. Ở Thượng Hải, các kho đầy hàng tồn do không thể vận chuyển nguồn hàng qua các tỉnh theo cách thông thường. Ông Wuttke cho rằng cần phải có sự đánh giá chuẩn mực cũng như những quy định nhất quán hơn ở Trung Quốc để các công ty không ở vào tình trạng bối rối trong các quy trình sản xuất và vận chuyển. 

Can thiệp về tài chính như tăng lương làm ngoài giờ, giảm giá thành thuê mặt bằng và miễn thuế tạm thời là rất cần thiết, theo ông Jörg Wuttke. Nhiều công ty Châu Âu hiện nay không có thu nhập trong hàng tuần liên tiếp, dù đây không phải vấn đề nghiêm trọng với các tập đoàn lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp tầm trung đang phải đối mặt với khó khăn tài chính. 

Theo ông Bruno Le Maire, bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp cho rằng bùng nổ dịch virus corona là “đòn quyết định” với quá trình toàn cầu hóa, bởi nó hé mở những bất cập của chuỗi cung ứng quốc tế trong việc quá lệ thuộc vào Trung Quốc. Hai lĩnh vực trọng điểm cần được cân nhắc lại là chăm sóc sức khỏe và sản xuất xe hơi. Thậm chí hiện Châu Âu đang phụ thuộc từ 80%-  85% vào nguyên liệu dược phẩm và tá dược. 

Tuy nhiên, một quốc gia trong khối EU dường như có mối quan ngại lớn hơn cả. Đức – với chuỗi cung ứng phụ thuộc phần lớn vào nhà máy ở Trung Quốc, đang phải đối mặt với rủi ro tê liệt kinh tế. Theo chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp Đức nói riêng giờ nhận thức rõ rệt hơn hẳn sự yếu ớt của hệ thống kinh tế toàn cầu. 

Các công ty vận chuyển hàng đầu Đức Cosco và Maersk hiện có 70 tàu container mắc kẹt ở cảng Trung Quốc, trong khi số khác vẫn đang trên đường đến Trung Quốc từ Đức. Nhưng theo ông Wutte, số lượng tàu sẽ càng ít đi, và Châu Âu chắc chắn sẽ thiếu dần sản phẩm. Trong tháng Ba, công nghiệp dược tá phẩm nước này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng do thiếu cung ứng.

Công nghiệp xe hơi – ngành công nghiệp chiếm tỉ trọng lớn nhất kinh tế Đức, vốn đã ở giai đoạn khủng hoảng trước đại dịch do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ- Trung, Brexit và chuyển đổi công nghệ xe hơi. Sự ổn định về chuỗi cung ứng không thực sự là đe dọa với các công ty xe hơi ở Đức, thay vào đó là nhu cầu ngày càng giảm từ khách hàng. Theo chuyên gia dự đoán, chỉ khoảng 77 triệu xe hơi được bán trong năm nay, ít hơn năm 2017 7,5 triệu xe, cũng như giảm tỉ trọng xuất khẩu xe hơi trong các tới đây.

Theo ngân hàng quốc doanh KfW, bùng nổ dịch virus corona sẽ tiếp tục khiến nền kinh tế Đức đi xuống trong ít nhất nửa năm tới. Trong năm 2020, KfW dự đoán GDP nước này sẽ chỉ tăng khoảng 0,8% thay vì dự đoán trước đó là 0,9%. 

Chuyên gia kinh tế Châu Âu quan ngại các quốc gia EU sẽ tiếp tục đối phó với rủi ro sụt giảm tăng trưởng trước diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch, nhất là sau khi tổ chức WHO tuyên bố virus corona có thể phát triển thành đại dịch toàn cầu. 

Vân Anh
Cùng chuyên mục