Nhiều ngân hàng mong được cấp “room” tín dụng cao để gia cố lợi nhuận

27/12/2019 11:59 GMT+7
Giới phân tích cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ duy trì dưới 14%, và không cần thiết phải đẩy tín dụng tăng cao hơn. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng áp dụng sớm chuẩn Basel II đang bày tỏ hy vọng, sẽ được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp hạn mức tín dụng ở mức cao hơn để gia cố lợi nhuận.

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đến thời điểm này, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng khoảng hơn 12% - số liệu này trùng khớp với nhiều dự báo của giới chuyên môn, các công ty phân tích.

Tín dụng tăng thấp – không đáng quan ngại

Giới phân tích dự báo, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 12-13% trong năm nay thấp hơn kế hoạch tăng 14% được NHNN định hướng từ đầu năm và thấp hơn nhiều so với mấy năm trước.

Nguyên do tín dụng giảm do nhu cầu giảm ở nhiều ngành nghề như bất động sản, xây dựng, thép và tín dụng mảng khách hàng cá nhân.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ của kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bất động sản, cũng phần nào làm giảm bớt nhu cầu tín dụng ngân hàng vào lĩnh vực hút vốn mạnh những năm trước này.

Điều đáng nói, trưởng tín dụng thấp không phải là vấn đề đáng quan ngại. Thậm chí đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế.

TS. Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng trấn an, không nên lo lắng tín dụng năm 2019 tăng thấp vì "mức tăng tín dụng trong thời gian qua đã đáp ứng yêu cầu đầu tư, tức là phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn đang tăng lên".

Tương đồng, PGS. TS. Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh thì cho rằng, dù tăng thấp hơn so năm trước nhưng hoạt động tín dụng đã và đang hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Qua đó cho thấy vốn ngân hàng đang được sử dụng ngày càng hiệu quả. "Trong hoạt động tín dụng, chất lượng tín dụng là điều quan trọng nhất nên không nhất thiết phải hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% bằng mọi giá", PGS. TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Nhiều ngân hàng mong được cấp "room" tín dụng cao để gia cố lợi nhuận

Trước dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng GDP của Việt Nam, có ý kiến cho rằng chúng ta nên đẩy tín dụng tăng cao hơn trong năm 2020. Tuy nhiên, theo PGS. - TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo – Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng (Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh) nhận thấy không cần thiết phải làm vậy.

Bởi vì rõ ràng trong năm 2019 tăng trưởng tín dụng chưa đạt mục tiêu đặt ra là 14%, nhưng tăng trưởng kinh tế tốt cho thấy quan điểm tăng trưởng kinh tế dựa trên tăng trưởng tín dụng phải xem xét lại có còn phù hợp với thời điểm hiện tại. 

"Chúng ta có thể tăng trưởng dựa trên nguồn lực khác, chứ nếu tăng trưởng kinh tế chỉ dựa trên tăng trưởng tín dụng khác nào nền kinh tế bị hệ thống ngân hàng bắt làm con tin. Theo tôi quan điểm này nên xóa bỏ", PGS. - TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo nói.

Nhiều ngân hàng mong được cấp “room” tín dụng cao để gia cố lợi nhuận - Ảnh 2.

Nguồn VCBS

Trong năm 2020, tăng trưởng tín dụng ở mức 12-13% trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế sẽ giảm so với 2019.

PGS. TS. Trần Hoàng Ngân nhận thấy, việc giảm dư nợ tín dụng là cần thiết để nâng cao hơn nữa vai trò của thị trường chứng khoán để trở thành kênh dẫn vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế. Hướng đi này vừa thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn, vừa đảm bảo hoạt động hệ thống ngân hàng an toàn bền vững, đồng thời giúp giảm phụ thuộc vào tín dụng.

Đặc biệt là, trong bối cảnh các ngân hàng đang phải áp dụng quy định khắt khe hơn về các chỉ số tài chính, an toàn hoạt động theo tiêu chuẩn Basel II, lộ trình giảm dần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn… đồng vốn cho vay ra của các ngân hàng sẽ tính toán cẩn trọng hơn.

Viện Nghiên cứu và đào tạo BIDV bổ sung thêm  lý do có thể khiến tăng trưởng tín dụng ở mức thấp hơn so với năm 2019 đó là sự góp mặt của các dòng vốn, mô hình kinh doanh mới như Fintech, cho vay ngang hàng, tổ chức tài chính vi mô, thị trường cổ phiếu, trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp tăng cung ứng vốn cho nền kinh tế...

Nhiều ngân hàng mong được cấp “room” tín dụng cao để gia cố lợi nhuận - Ảnh 3.

TS. Trần Du Lịch rất kỳ vọng vào sự phát triển của thị trường vốn nhất là từ thị trường TPDN để doanh nghiệp bớt phụ thuộc vào vốn ngân hàng và giảm áp lực cấp vốn cho các ngân hàng. Nhưng muốn làm được điều này, thị trường vốn, trái phiếu... cần phát triển bền vững hơn nữa.

"Chủ trương mở rộng và khuyến khích phát triển thị trường TPDN là đúng đắn. Bản thân tôi nhiều năm nay cũng đề xuất và mong muốn thị trường này phát triển mạnh hơn. Nhưng mà cũng phải dè chừng những rủi ro, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Nếu doanh nghiệp chạy đua, đánh vào tâm lý ham lãi suất cao của nhà đầu tư làm tăng rủi ro cho thị trường", TS. Lịch lưu ý.

Về phía cơ quan điều hành, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Quốc Hùng cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2020 cũng sẽ quanh mức tăng trưởng như năm 2019. Nhiều ngân hàng áp dụng sớm chuẩn Basel II cũng đang bày tỏ hy vọng sang năm 2020, sẽ được NHNN xem xét cấp hạn mức tín dụng ở mức cao hơn để gia cố lợi nhuận.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục