Nhiều tập đoàn lớn xây dựng nhà ở xã hội: Vị trí và giá nào để giải quyết “an cư” cho người thu nhập thấp?

07/08/2022 07:00 GMT+7
Lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đồng hành với Chính phủ thực hiện đề án hoàn thành xây dựng nhà ở xã hội 1 triệu căn từ nay đến năm 2030. Điều này tạo điều kiện giải quyết khó khăn về “an cư” cho công nhân, người thu nhập thấp.

Hàng loạt "ông lớn" cam kết cùng Chính phủ xây dựng nhà ở xã hội

Tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết tính đến nay, cả nước, đã hoàn thành 301 dự án xây dựng nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2.

Các tập đoàn lớn cam kết đồng hành cùng Chính phủ xây dựng nhà ở xã hội hoàn thành 1 triệu căn đến năm 2030 (Video: Thái Nguyễn)

Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của công nhân lao động, nhu cầu nhà ở của công nhân lao động vẫn rất cấp bách; cơ chế chính sách và quá trình thực thi bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng.

Do đó, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030, hoàn thành ngay trong tháng 8 này.

Đứng trước mục tiêu này, nhiều lãnh đạo tập đoàn hàng đầu Việt Nam như Vingroup, Novaland, Sun Group, Him Lam, Bitexco... bày tỏ sẵn sàng tham gia, đồng hành cùng với Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này.

Nhiều "ông lớn" cam kết thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030 (Ảnh: Thái Nguyễn)

Nhiều "ông lớn" cam kết thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030 (Ảnh: Thái Nguyễn)

Trong đó, đại diện Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch HĐQT Vinhomes Phạm Thiếu Hoa cho biết tập đoàn phấn đấu 5 năm tới sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội.

Đại diện Tập đoàn Novaland cũng cho biết, sẵn sàng nhận nhiệm vụ đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ nhà ở xã hội tại các tỉnh thành phía nam và trọng tâm là TP.HCM.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam cũng sẵn sàng đăng ký tham gia 75.000 căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030. Đây là quỹ đất mà doanh nghiệp đã có.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường cùng với Chủ tịch Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội…cho biết cũng đều sẵn sàng tham gia vào mục tiêu hoàn thành 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030.

Xây dựng nhà ở xã hội giải quyết "bài toán" nhà ở cho người thu nhập thấp

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các địa phương gắn với phát triển thị trường bất động sản nhà ở, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương và tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phù hợp với điều kiện của các địa phương.

Nhiều chuyên gia nhận định để phát triển xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở giá phù hợp với thu nhập của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, cần có giải pháp để tăng nguồn cung. Ngoài ra, tháo gỡ vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp tư nhân hiện đang rắc rối hơn thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại để kích thích doanh nghiệp tư nhân tham gia thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng rất khó để phát triển xây dựng nhà ở xã hội gần trong nội đô vì giá xây dựng và đền bù rất lớn, trong khi Nhà nước khống chế giá bán.

"Nhà ở xã hội phải xây dựng ở những vùng xa trung tâm, giá đất thấp thì mới có khả năng đảm bảo mức giá phù hợp với đối tượng thu nhập thấp. Tuy nhiên, việc xa trung tâm, không có hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng dịch vụ lại khó có thể thu hút người mua", ông Đính chia sẻ.

Một số chuyên gia cũng cho rằng nhà đầu tư cần phải bỏ rất nhiều thời gian nghiên cứu về sản phẩm và phải nghiên cứu về thị trường, mức thu nhập và nhu cầu của người mua nhà. Không thể xây những nhà ở quá xa, hạ tầng yếu kém để đầu tư. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần có những cơ chế đặc thù về vốn vay đầu tư, vốn vay cho người mua nhà với mức lãi suất phù hợp. Khi nhà ở xã hội đáp ứng được nhu cầu người mua nhà, phù hợp với khả năng đầu tư của chủ đầu tư và có chính sách hỗ trợ về chính sách nhà nước thì việc phát triển xây dựng nhà ở xã hội mới đạt được hiệu quả như mong đợi.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục