Nhiều vườn cây đặc sản ở ĐBSCL “điêu đứng” vì triều cường
Dù mực nước triều cường đã giảm nhưng rất nhiều vườn cây ăn trái gồm: dừa, hồng xiêm, bưởi ở xã Kim Sơn, Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang vẫn còn nằm trong “biển nước”. Một đoạn bờ đê dài hơn 100 mét ven sông Rạch Gầm xuống cấp lại bị sạt lở làm nước tràn gây ngập úng trên diện rộng.
“Tràn đê, rồi vỡ đê, nước ngập toàn tuyến lên khoảng 3 tấc trong khoảng 5 ngày, không bơm được nên cây bưởi chết nhiều. Năm ngoái ngập rồi năm nay lại bị mặn. Đê cũ 17 năm chưa được gia cố, bể đưa đất xuống sông hết. Đề nghị bây giờ phải gia cố đê bao và làm nấp cống”, ông Nguyễn Văn Vân (nhà vườn trồng 2 công bưởi ở ấp Đông, xã Vĩnh Kim bị ngập nước) nói.
Còn ông Nguyễn Văn Phương cũng như nhiều người dân ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Kim có nhà gần bị sụp xuống sông Rạch Gầm không khỏi lo âu: “Tình trạng vừa rồi, nước vào đến nhà. Hiện nay nhà này tôi không dám ở, phải dọn đến nhà mới. Nguyên nhân là do đê bị sạt lở. Chúng tôi đề xuất trước mắt là phải khắc phục được đoạn sạt lở này vì người dân làm không nổi”.
Đáng quan tâm là tại tổ 11, ấp Long Quới, xã cù lao Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, triều cường dâng cao kết hợp với mưa nhiều đã làm sạt lở 1 đoạn bờ đê dài 12 mét tại vườn nhà ông Trần Văn Thuận. Nước từ sông Tiền tràn vào gây ngập úng vườn cây sầu riêng và nhà ở của hàng chục hộ dân trong khu vực.
Triều cường cũng làm một đoạn huyện lộ 70 tại địa phương này bị sạt lở, chia cắt đường giao thông, ảnh hưởng khoảng 70 hecta vườn cây ăn trái của 120 hộ dân. Chính quyền địa phương phải huy động cơ giới khẩn trương gia cố đoạn đê sạt lở, gia cố các vị trí lân cận, đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực. Toàn xã Ngũ Hiệp còn có 22 điểm đê bao xung yếu, có nguy cơ tràn do triều cường và sạt lở.
Các địa phương ven sông Tiền, sông Ba Rài, kênh Chợ Gạo, kênh Nguyễn Văn Tiếp… tỉnh Tiền Giang đã xảy ra hàng trăm điểm nước tràn do triều cường dâng cao. Riêng tại xã Phú Phong, huyện Châu Thành có 6 điểm sạt lở có quy mô lớn ven sông Phú Phong. Chính quyền và người dân địa phương đã huy động nhân lực, vật lực tiến hành gia cố tạm thời để ngăn nước.
“UBND xã cũng huy động sức dân, hỗ trợ một phần cát cho dân vô bao để tự gia cố để chống đỡ đợt triều cường này, không cho nước tràn vô vườn cây ăn trái của bà con. Hiện tại, những tuyến bị sạt lở tỉnh đã có dự án, kế hoạch làm. Hiện tại đã giao mốc được 3 điểm, UBND xã cũng hối thúc cấp trên đẩy nhanh tiến độ để ứng phó với đợt triều cường sắp tới”, ông Nguyễn Trường Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Phong, huyện Châu Thành cho biết thêm.
Tại tỉnh Bến Tre, đợt triều cường vừa qua đã gây tràn, sạt lở, vỡ 15 điểm đê bao, bờ bao với tổng chiều dài gần 200 mét và 36 căn nhà ở của người dân bị ngập. Nghiêm trọng nhất là tại cồn Lát thuộc ấp Quân Bình, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách đã có 05 điểm sạt lở. Đoạn bờ đê ở ấp Phú Bình (cồn Phú Đa), xã Phú Bình, huyện Chợ Lách bị sạt lở 50 mét. Huyện Châu Thành có 7 điểm nước tràn, sạt lở với tổng chiều dài khoảng 50 mét tại các xã: Tân Phú, Tiên Long, Giao Long. Riêng các ao nuôi cá của Công ty Hùng Vương thuộc xã Tiên Long huyện Châu Thành bị nước tràn làm thất thoát khoảng 126 tấn cá; 14 hecta nuôi tôm quảng canh của ngư dân ở huyện Bình Đại; 37 hecta diện tích vườn cây ăn trái của người dân xã Tam Hiệp huyện Bình Đại, xã Tân Thiềng huyện Chợ Lách bị ngập sẽ giảm năng suất.
Sau khi xảy ra sạt lở, nước tràn bờ đê, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre đã cử lực lượng đến trực tiếp hiện trường để hỗ trợ địa phương xử lý, khắc phục. Đồng thời, yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện ngay các biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực. Tuy nhiên, đối với các điểm sạt lở lớn ngoài khả năng khắc phục của địa phương, cần có nguồn kinh phí hỗ trợ từ cấp tỉnh, Trung ương.
Sau đợt hạn mặn lịch sử gây thiệt hại nặng nề, người dân tỉnh Tiền Giang và Bến Tre tiếp tục chống chọi với những đợt triều cường mùa mưa. Theo ngành chuyên môn dự báo, từ nay đến cuối năm 2020, sẽ còn xảy ra nhiều đợt triều cường dâng cao. Do đó, chính quyền và người dân các địa phương cần có những biện pháp, giải pháp khẩn trương ứng phó hiệu quả để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.