Những cổ phiếu cứ đến ‘’Tết’’ lại tăng
Trong tháng 12 vừa qua, VN-Index giảm 1.01%. Điều này không quá bất ngờ khi những tháng cuối năm thường là thời điểm rút tiền của những nhà đầu tư trong nước, vốn đa phần là các cá nhân. Đối với phần lớn những nhà đầu tư này thì việc tham gia thị trường chứng khoán không phải là công việc chính. Bên cạnh đó, đa phần họ cũng là những nhà giao dịch ngắn hạn và do đó, khi đến những thời điểm cuối năm, lúc mà nhu cầu tiền mặt để chi tiêu tăng lên thì việc rút tiền khỏi thị trường là điều dễ hiểu.
Trong tháng 1 dương lịch theo tập tính thị trường chứng khoán Việt thì vẫn chưa phải thời điểm quay trở lại của dòng tiền nội địa. Nhưng đương nhiên, dù là thời điểm nào thì vẫn luôn có một bộ phận nhà đầu tư đi tìm những cơ hội sinh lợi mới. Cổ phiếu nào sẽ là bến đỗ tốt nhất trong tháng khởi đầu năm, khi mà dòng tiền tại thị trường chứng khoán vẫn còn đang yếu ớt là một lựa chọn không hề dễ dàng.
HOSE: Bò áp đảo
Tại HOSE, tổng cộng 35 cổ phiếu tăng giá trong tất cả các tháng 1 của giai đoạn 2017 - 2019. Danh sách này trải dài từ những cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VCB, REE, MBB, FPT, GAS, CTG, PNJ, STB đến những cổ phiếu vốn hóa vừa như NLG, NT2, PHR, HDG,… hay thậm chí là một cái tên ít được biết đến như HCD.
Trong đó, MBB, FPT và PNJ là những bluechip được ưa thích đồng thuận (nằm trong danh sách 10 khoản đầu tư lớn nhất của 2 quỹ trở lên) bởi các quỹ đầu tư như VEIL - Dragon Capital, VOF - VinaCapital, PYN Elite Fund và Vietnam Holding.
Đặc biệt, cổ phiếu của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay ( HOSE: NVT) là cái tên đã ‘’lì xì’’ lớn nhất cho nhà đầu tư tính trong tháng 1 của ba năm gần đây. NVT trong tất cả tháng 1 từ 2017-2019 đã thu về lợi nhuận cho nhà đầu tư 59% trên tổng số vốn bỏ ra ban đầu.
Đáng chú ý, trong nhóm 6 cổ phiếu sinh lời nhiều nhất có sự góp mặt của cả 4 cổ phiếu ngân hàng là MBB (sinh lời 49%), CTG (47%), VCB (45%) và STB (40%).
Chiều ngược lại, số lượng cổ phiếu giảm trong tất cả các tháng 1 của những năm từ 2017 - 2019 dừng ở con số 17, ít hơn nhiều so với chiều tăng.
Trong nhóm cổ phiếu giảm điểm kể trên thì hơn 70% là những cổ phiếu vốn hóa nhỏ (dưới 1,000 tỷ đồng giá trị thị trường).
Cổ phiếu HAI của CTCP Nông dược H.A.I gây chú ý khi có diễn biến thị trường "sốt phổi" trong thời gian gần đây. Bắt đầu leo dốc từ giữa tháng 10/2019, cổ phiếu này chạm đỉnh 4,300 đồng/cp (ngày 17/12), tăng gần 170% chỉ trong vòng 2 tháng rồi ngay sau đó lao dốc. Kết phiên 20/12 vừa qua, HAI chốt giá 3,030 đồng/cp. Nếu tiếp tục xu hướng hiện tại, nhiều khả năng chuỗi giảm điểm tháng 1 của cổ phiếu này sẽ kéo dài sang năm thứ tư.
HNX: Gấu thắng thế
Trái ngược với HOSE, sàn HNX có số lượng cổ phiếu giảm trong tất cả các tháng 1 giai đoạn 2017 - 2019 nhiều hơn đáng kể so với số cổ phiếu tăng, với tỷ lệ 12:8.
Trong 12 cổ phiếu ở chiều giảm thì có đến 8 cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa siêu nhỏ (dưới 100 tỷ đồng) là PVL, BII, DST, VIG, ACM, HKB và (dưới cả mức 10 tỷ đồng) DPS, KSK. Những cổ phiếu này đều có thị giá "trà đá" vài trăm đồng cho đến hơn ngàn đồng, trong đó PVL xếp đầu với thị giá 1,600 đồng/cp tính đến kết phiên 31/12/2019.
VCS của CTCP Vicostone là cái tên nổi bật trong nhóm giảm điểm xét trên nhiều phương diện, từ thị giá, vốn hóa thị trường cho đến quy mô của doanh nghiệp đằng sau. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu này biến động mạnh trong năm 2019, khi từ vùng giá 59,000 đồng/cp đi lên chạm đỉnh 108,500 đồng/cp để rồi kết phiên 31/12 tại mức giá 70,100 đồng/cp, tương ứng giảm 35% từ đỉnh.
Về các cổ phiếu ở chiều tăng trong tháng 1 tại sàn HNX, tuy ít hơn về mặt số lượng nhưng nhóm này có sự góp mặt của nhiều cái tên "cộm cán" như VCG, PVS, SHS, PVI, PGS.