Những điểm mới của Luật Chứng khoán sửa đổi
1. Nâng điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng
Luật Chứng khoán sửa đổi nâng điều kiện về vốn điều lệ đối với tổ chức chào bán chứng khoán ra công chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng. Quy định mới này nhằm nâng cao chất lượng, sự ổn định của công ty đại chúng và phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như quy mô của thị trường chứng khoán…
2. Nâng cao chất lượng báo cáo tài chính
Để nâng cao chất lượng báo cáo tài chính trong các đợt phát hành, điểm mới tại Luật Chứng khoán sửa đổi là báo cáo tài chính năm phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán. Ý kiến kiểm toán đối với các báo cáo tài chính là ý kiến chấp nhận toàn phần; trường hợp ý kiến kiểm toán là ý kiến ngoại trừ thì khoản ngoại trừ không ảnh hưởng đến điều kiện chào bán; tổ chức phát hành phải có tài liệu giải thích hợp lý và có xác nhận của tổ chức kiểm toán về ảnh hưởng của việc ngoại trừ…
3. Đổi mới cơ chế đăng ký doanh nghiệp
Thay vì Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán được cấp qua một đầu mối là Ủy ban Chứng khóa Nhà nước như hiện tại, theo Luật Chứng khoán sửa đổi, sau khi được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải đăng ký kinh doanh tại Cơ quan đăng ký kinh doanh...
4. Tăng cường minh bạch thông tin
Để khắc phục bất cập, hạn chế của Luật hiện hành, đồng thời tiếp cận với thông lệ quốc tế, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường chứng khoán, ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật như giao dịch nội gián, thâu tóm doanh nghiệp bất hợp pháp..., Luật Chứng khoán sửa đổi đã có nhiều nội dung mới về công bố thông tin.
Theo đó, Luật bổ sung các đối tượng phải công bố thông tin như tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng; tổ chức niêm yết trái phiếu doanh nghiệp; cổ đông sáng lập trong thời gian bị hạn chế chuyển nhượng của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng; người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ...
5. Thống nhất một sở giao dịch chứng khoán
Để bảo đảm tính thống nhất, giảm bớt đầu mối quản trị, điều hành và minh bạch, rõ ràng trong áp dụng quy định của pháp luật, Luật Chứng khoán sửa đổi quy định theo hướng chỉ có một sở giao dịch chứng khoán duy nhất. Đây là doanh nghiệp rất đặc thù nên đã quy định cụ thể trong Luật về thẩm quyền thành lập, quyền hạn và nghĩa vụ cơ bản. Những biến động về thị trường có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tiền tệ của quốc gia, nên để bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, chi phối, Luật quy định Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
6. Trao thêm thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Luật Chứng khoán sửa đổi, là đã bổ sung thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc thực thi nhiệm vụ, để có thể tiệm cận gần hơn với các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO) bao gồm: tổ chức, phát triển thị trường chứng khoán; thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động nghiệp vụ chứng khoán, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư…
7. Tăng chế tài xử lý vi phạm
Để gia tăng tính răn đe đối với các vi phạm, ngoài tăng mức phạt tiền, điểm mới tại Luật Chứng khoán sửa đổi là cấm đối tượng vi phạm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn; cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn do thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán…