Những ‘sếp’ ngân hàng quyền lực tuổi Sửu

12/02/2021 07:03 GMT+7
Năm Tân Sửu 2021 là “năm tuổi” của CEO Nam A Bank Trần Ngọc Tâm và 2 “bóng hồng” đang giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại Sacombank và Kienlongbank.

CEO Nam A Bank Trần Ngọc Tâm

Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank – mã: NAB) Trần Ngọc Tâm sinh năm 1973, tốt nghiệp thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học UBIS Thụy Sỹ. Ông có hơn 20 năm công tác trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và từng kinh qua nhiều vị trí trọng yếu tại các tổ chức kinh tế.

Ông Tâm gắn bó với Nam A Bank từ năm 2003 và đảm nhiệm chức Phó Tổng giám đốc Nam A Bank từ tháng 2/2008.

Những ‘sếp’ ngân hàng quyền lực tuổi Sửu  - Ảnh 1.

CEO tuổi Sửu tại Nam A Bank Trần Ngọc Tâm

CEO Trần Ngọc Tâm là một trong hai nhân vật quan trọng được Nam A Bank gửi gắm cho tham vọng sáp nhập với Eximbank. Tháng 3/2015, ông Tâm thôi nhiệm ở Nam A Bank để tham gia danh sách ứng cử vào HĐQT Eximbank. Kế hoạch sáp nhập không thành, ông Tâm quay lại Nam A Bank và tiếp tục giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc ở Nam A Bank.

Trước khi trở thành Tổng giám đốc của nhà băng này kể từ ngày 27/4/2018, ông Tâm đảm nhiệm Quyền Tổng giám đốc sau khi bà Lương Thị Cẩm Tú từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.

Việc bổ nhiệm CEO Trần Ngọc Tâm vào "ghế nóng" Nam A Bank được kỳ vọng là nhân tố mới, có khả năng kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, đồng thời quyết tâm thực hiện đề án tái cơ cấu để tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển Nam A Bank trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng, hiện đại.

Trên thực tế, dưới sự lèo lái của CEO Trần Ngọc Tâm, bức tranh lợi nhuận của Nam A Bank đã "sáng" hơn.

Cụ thể, từ mức lợi nhuận trước thuế 301 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2017, đến năm 2018 lợi nhuận thực hiện của Nam A Bank đã tăng trưởng gấp hơn gấp đôi, lên 743 tỷ đồng và đạt 925 tỷ đồng vào năm 2019.

Những ‘sếp’ ngân hàng quyền lực tuổi Sửu  - Ảnh 2.

Kết quả lợi nhuận của Nam A Bank dưới sự lèo lái của CEO tuổi Sửu Trần Ngọc Tâm

Tại báo cáo tài chính vừa công bố, Nam A Bank lại khiến cho nhà đầu tư "bất ngờ" khi lọt Top các ngân hàng lợi nhuận trước thuế nghìn tỷ dù đã phải trích lập tới 558 tỷ đồng để dự phòng rủi ro, trái ngược với mức hoàn nhập hơn 12 tỷ đồng của 2019. Theo đó, kết thúc năm 2020 Nam A Bank báo lãi trước thuế 1.005 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2019, lãi sau thuế 800 tỷ đồng (tương ứng tăng 9,3%).

Tổng tài sản tính đến cuối năm đạt 134.315 tỷ đồng, tăng 41,9% so với cuối năm trước.

Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 32% lên 89.172 tỷ đồng. Đồng thời, khoản mục chứng khoán đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn cũng tăng mạnh lên 13.151 tỷ đồng, gấp 4,2 lần thời điểm cuối năm 2019.

Sự mở rộng mạnh mẽ của chứng khoán đầu tư chủ yếu đến từ trái phiếu chính phủ (tăng gấp gần 3,5 lần lên mức 14.744 tỷ đồng). Bên cạnh đó, Nam A Bank còn ghi nhận khoản mục trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành tăng thêm 1.950 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, tính đến 31/12/2020, số dư tiền gửi khách hàng đạt 98.254 tỷ đồng, tăng 38,9%.

Trong năm 2020, dư nợ xấu của Nam A Bank giảm 44,2% xuống 744 tỷ đồng (chủ yếu từ nợ nhóm 3 và nhóm 4). Cùng với sự bứt tốc của tín dụng đã kéo tỷ lệ nợ xấu của Nam A Bank giảm mạnh từ mức 1,97% xuống 0,83%.

CEO Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm

Cầm tinh con trâu (1973), Tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm có trình độ Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Bà Diễm có hơn 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế – tài chính – ngân hàng, bắt đầu công tác tại Sacombank từ năm 2002.

Những ‘sếp’ ngân hàng quyền lực tuổi Sửu  - Ảnh 3.

CEO tuổi Sửu Nguyễn Đức Thạch Diễm của Sacombank

Trước khi ngồi "ghế nóng" Sacombank, bà Diễm đã từng đảm nhiệm các công việc thuộc lĩnh vực kế toán, tín dụng, dịch vụ khách hàng, khách hàng doanh nghiệp, kiểm tra kiểm soát nội bộ, xử lý nợ và đã có 11 năm ở vai trò quản lý, điều hành tại Phòng giao dịch, Phòng nghiệp vụ Chi nhánh, Văn phòng Khu vực TP.HCM, toàn Khu vực Nam Trung bộ & Tây Nguyên và toàn hệ thống Sacombank.

Khi bà Diễm tiếp nhận vị trí CEO ngân hàng vào tháng 7/2017, Sacombank đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và phải thực hiện tái cơ cấu. Nói về những áp lực của các nhân và hệ thống Sacombank, bà Diễm từng chia sẻ "Khi mọi người đủ mạnh mẽ để vượt qua cái tôi, sự ích kỷ và những giới hạn của bản thân, cùng nhay nhìn về một hướng thì mọi việc sẽ đều có kết quả như mong đợi".

Tự tin, lương thiện, mạnh mẽ và có cam kết là 4 tố chất CEO Nguyễn Đức Thạch Diễm áp dụng trong công việc và cuộc sống. Cũng chính vì vậy, trong những năm bà Diễm làm CEO Sacombank dưới sự lèo lái của Chủ tịch Dương Công Minh, chỉ sau 2 năm lợi nhuận của Sacombank đã được cải thiện với hơn 3.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 21,4% so với kế hoạch đã cam kết tại đại hội đồng cổ đông.

Với con số lợi nhuận này, Sacombank cũng đánh dấu sự trở lại tương đương thời kỳ hoạt động tốt nhất là những năm 2012 - 2013, trước khi tiến hành nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam.

Đặc biệt trong năm 2020, mặc dù trong bối cảnh khó khăn vì Covid-19, Sacombank dư nợ tín dụng của Sacombank năm 2020 đạt hơn 340 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2019 - cao hơn mức trung bình toàn ngành (12,13%). Công tác thu hồi, xử lý nợ xấu được đẩy mạnh với doanh số đạt hơn 15.000 tỷ đồng, nhờ đó tài sản tồn đọng tiếp tục giảm thêm 16,7% so với năm trước và tỷ lệ nợ xấu được kéo giảm về còn 1,6%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 của Sacombank đạt 3.339 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm Canh Tý, giá cổ phiếu STB của Sacombank đứng ở mức 18.150 đồng/cp, tăng 70% trong năm qua.

Như vậy, tính tới hiện tại Sacombank cơ bản đã giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng và đây là lực đẩy cho Sacombank bứt phá trong năm mới khi vị CEO của nhà băng này bước vào "năm tuổi".

Phó Chủ tịch Kienlongbank Trần Thị Thu Hằng

Là một trong số ít "bóng hồng" quyền lực của ngành ngân hàng bước vào năm tuổi, bà Trần Thị Thu Hằng đang đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT của ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất nhì hệ thống là Kienlongbank.

Những ‘sếp’ ngân hàng quyền lực tuổi Sửu  - Ảnh 4.

"Bóng hồng" quyền lực tuổi Sửu tại Kienlongbank Trần Thị Thu Hằng

Bà Trần Thị Thu Hằng sinh năm 1985, bà có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, trải qua một số vị trí quản lý ở LienVietPostBank và MSB. Từ tháng 3/2018 đến nay, bà Hằng đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunshine và các công ty thành viên.

Cụ thể, theo giới thiệu tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra cuối tháng 1 vừa qua, bà Hằng hiện là Tổng giám đốc điều hành của Sunshine Group - một trong những chủ đầu tư bất động sản lớn ở khu vực phía Bắc. Bà Hằng đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư SIPT, trụ sở đặt tại Sunshine Center.

Những ‘sếp’ ngân hàng quyền lực tuổi Sửu  - Ảnh 5.

Quá trình công tác của Phó Chủ tịch Kienlongbank Trần Thị Thu Hằng

Mới đây, nhà băng này cũng đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2020. Theo đó, trong năm 2020 ngân hàng này lãi trước thuế 158 tỷ đồng, tăng 84% so với năm 2019 nhưng chỉ hoàn thành được 21% kế hoạch đặt ra (kế hoạch 750 tỷ). Riêng quý 4, ngân hàng ghi nhận lỗ thuần 72 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh, nhưng do được hoàn nhập dự phòng gần 86 tỷ đồng nên đã thoát lỗ ngoạn mục.

Những ‘sếp’ ngân hàng quyền lực tuổi Sửu  - Ảnh 6.

Tính đến ngày 31/12/2020, quy mô tổng tài sản của Kienlongbank đạt 57.282 tỷ đồng, tăng 12% so với thời điểm đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 34.716 tỷ đồng, tăng nhẹ 4%. Tiền gửi khách hàng đạt gần 42.018 tỷ đồng, tăng 28%. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,02% lên 5,42%.

Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu của Kienlongbank là 5,42%, cao gấp 5,3 lần so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) là gần 1.782 tỷ đồng, chiếm 5,13% tổng dư nợ.

Ngày 30/1 vừa qua, tại hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2020 và triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2021, Kienlongbank đã đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 là 1.000 tỷ đồng. Có lẽ đây cũng là con số đầy tham vọng đối với ban lãnh đạo của Kienlongbank.


H.Anh
Cùng chuyên mục