Những thương vụ thỏa thuận ‘’khủng’’ trên sàn năm 2019
Tính từ đầu năm 2019 tới ngày 27/12/2019, giao dịch thỏa thuận trên HOSE đạt hơn 9 tỷ cổ phiếu với tổng giá trị gần 248,276 tỷ đồng, chiếm 25.5% so với giá trị giao dịch toàn thị trường. Tháng cuối năm là tháng có giao dịch thỏa thuận sôi động nhất trong năm với khối lượng hơn 1 tỷ cp, tương đương hơn 29,185 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu họ Vingroup với tổng giá trị giao dịch thỏa thuận trong năm lên tới hơn chục ngàn tỷ đồng. Cụ thể, tổng giá trị thỏa thuận ở VHM là 18,331 tỷ đồng, VIC là 12,742 tỷ đồng, VRE là 11,899 tỷ đồng.
Vinhomes dẫn đầu toàn thị trường về quy mô giao dịch thỏa thuận trong năm 2019. Trong đó, phiên giao dịch thỏa thuận khủng nhất của CTCP Vinhomes (HOSE: VHM) rơi vào ngày 09/05/2019 với khối lượng thỏa thuận gần 36 triệu cp, tương ứng với giá trị giao dịch gần 3,037 tỷ đồng, bằng một nửa tổng giá trị toàn thị trường trong phiên hôm đó.
Ngày 03/12, Vinhomes đã chi gần 2,806 tỷ đồng mua lại gần 31 triệu cp để làm cổ phiếu quỹ từ một phiên giao dịch thỏa thuận.
Tuy nhiên, nếu xét về giá trị thỏa thuận lớn nhất trong từng phiên thì đứng đầu là thương vụ của Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) khi sang tay hơn 51.5 triệu cp tại mức giá 113,000 đồng/cp, tương ứng với giá trị gần 5,822 tỷ đồng vào ngày 21/05.
Chủ nhân của giao dịch thỏa thuận này là SK Investment Vina II - quỹ thành viên của SK Group, một trong những tập đoàn của Hàn Quốc chuyên hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ, điện tử, năng lượng, logistics và dịch vụ. Theo thỏa thuận đã ký, SK Group chi ra khoảng 23,300 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) để mua 154.3 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ từ Vingroup và mua lại 51.4 triệu cổ phiếu VIC thuộc sở hữu của VinCommerce.
Sau thương vụ trên, đơn vị này đã trở thành cổ đông lớn của VIC từ ngày 21/05 với sở hữu 6.15% vốn điều lệ.
Cùng họ nhà Vin, CTCP Vincom Retail (HOSE: VRE) cũng góp mặt trong danh sách giao dịch thỏa thuận khủng này với tổng giá trị giao dịch thỏa thuận năm 2019 gần 11,899 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận lớn nhất vào ngày 20/03/2019 với khối lượng gần 66.6 triệu cp, tương đương với giá trị gần 2,337 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% tổng giá trị trong phiên giao dịch hôm đó.
Đứng thứ 2 là Eximbank (HOSE: EIB) với tổng giá trị gần 14,052 tỷ đồng. Trước khi ĐHĐCĐ lần 1 năm 2019 của Eximbank diễn ra, chỉ trong 5 ngày liên tục từ 01-05/04/2019, Eximbank ghi nhận loạt giao dịch thỏa thuận giá trị hơn 3,137 tỷ đồng. Loạt giao dịch này xảy ra trong bối cảnh nội bộ ngân hàng lục đục, tranh chấp quanh vị trí "ghế nóng" chủ tịch HĐQT.
Ngoài ra, còn những "ông lớn" như ROS (13,615 tỷ đồng) và MSN (11,125 tỷ đồng). Trong năm 2019, Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) cũng có nhiều thương vụ sang tay khủng, với tổng giá trị lên hơn 11,125 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch lớn nhất vào ngày 14/02/2019 với khối ngoại mua ròng trị giá hơn 1,189 tỷ đồng. Nhóm nhà đầu tư Government of Singapore - Ardolis Investment Pte LTD đã nâng tỷ lệ sở hữu tại MSN từ 8.98% lên 10.18% khi mua gần 14 triệu cp MSN.
Cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros (HOSE: ROS) ghi nhận tổng giá trị thỏa thuận hơn 13,615 tỷ đồng, giao dịch rải đều qua 1 quý trở lại đây và phiên giao dịch cao nhất vào ngày 03/09/2019 với giá trị thỏa thuận hơn 580 tỷ đồng.
Chỉ sau đó 2 ngày, phiên 05/09, ROS lại ghi nhận giá trị thỏa thuận khủng gần 463 tỷ đồng với khối lượng gần 19 triệu cp. Đáng chú ý, 05/09 cũng là ngày đầu tiên mà chủ tịch HĐQT của ROS – ông Trịnh Văn Quyết đăng ký bán ra 70 triệu cp ROS nên khả năng cao chính ông Quyết là người đã bán thỏa thuận 19 triệu cp vào phiên hôm đó.
Nhiều ngân hàng cũng góp mặt vào top giao dịch thỏa thuận khủng theo phiên trong năm 2019 như Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank, HOSE: MBB) với khối lượng thỏa thuận hơn 71 triệu cp, tương đương với giá trị hơn 1,606 tỷ đồng vào ngày 26/06/2019 và Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) với giá trị sang tay hơn 1,446 tỷ đồng (30/10/2019).
Ngoài ra, trên HOSE còn có một số phiên giao dịch thỏa thuận đáng chú ý như: SAB (ngày 15/11/2019, gần 1,248 tỷ đồng), CTG (ngày 13/11/2019, gần 1,234 tỷ đồng), VNM (ngày 31/07/2019, gần 1,163 tỷ đồng)…
Trong năm 2019, hoạt động giao dịch thỏa thuận trên HNX và UPCoM diễn ra kém sôi động hơn hẳn so với sàn HOSE. Tuy nhiên, cũng có vài mã có tổng giá trị thỏa thuận hơn ngàn tỷ trên HNX như ACB (3,871 tỷ đồng), SHB (1,601 tỷ đồng), VCG (1,238 tỷ đồng) và trên UPCoM như SIP (2,266 tỷ đồng), VCP (1,300 tỷ đồng).