Nông sản Việt tăng giá và tăng tiềm năng xuất khẩu nhờ áp dụng công nghệ chế biến

01/05/2021 09:00 GMT+7
Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ chế biến vào sau thu hoạch, đem lại giá trị cao cho nông sản.

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ chế biến vào sau thu hoạch, đem lại giá trị cao cho nông sản.

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ NN&PTNT, trong tổng cộng 7.500 doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, có rất nhiều đơn vị chỉ chế biến quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình nên các phước pháp còn gặp nhiều hạn chế, chưa biết áp dụng công nghệ cao.

Do đó, nông sản thành phẩm vẫn chưa đạt chất lượng cao. Sản phẩm sơ chế giá trị gia tăng thấp chiếm đến 70%-80%. Đây là hạn chế lớn làm giảm giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Theo tân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, “Giá trị gia tăng của nông sản nằm ở công nghệ chế biến. Nếu có công nghệ bảo quản tốt sẽ giúp nông sản tạo ra nhiều giá trị, giúp nông dân tăng thu nhập.”

Điển hình là Công ty cổ phần Thực phẩm Quảng Thanh đưa ra hơn 20 sản phẩm bột rau gồm bột rau má, bột rau tía tô, bột rau diếp cá, bột rau chùm ngây, bột rau cần tây, bột rau lá sen, bột khoai lang, bột rau ngót, bột bông cải xanh… đã được xuất khẩu đi hàng loạt thị trường khó tính trên thế giới với giá trị cao.

Nông sản Việt tăng giá và tăng tiềm năng xuất khẩu nhờ áp dụng công nghệ chế biến - Ảnh 1.

Sản xuất bột rau má, rau tía tô, rau diếp cá… xuất khẩu bằng công nghệ chế biến với quy chuẩn cao.

1 kg rau má tươi được bán với giá khoảng 15.000 - 25.000 đồng/kg nhưng 1 kg bột rau có giá trên dưới 1 triệu đồng. Rau má tươi thường chỉ bán ở chợ, siêu thị, còn bột rau má thì có thể bán ra cả thế giới,  lại có thời gian bảo quản dài gấp 180 lần, để được cả năm không sợ biến tính, giảm chất lượng.

Đây chính là tiềm năng để xuất khẩu nông sản tăng giá trị trên thị trường, đảm bảo yêu cầu để xuất khẩu tới các thị trường khó tính trên thế giới. Nông dân cũng bán được nhiều hàng hơn vì để làm ra được 1 kg bột rau thì cần đến khoảng 20 kg rau tươi.

Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (Gia Lai) cũng áp dụng công nghệ sau thu hoạch đã giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm tiêu, cà phê, măng khô, khoai sấy dẻo…

Trước đó, mức giá trung bình chỉ vài chục ngàn đồng/kg nếu thu hoạch và bán thô cây tiêu. Do đó, nhiều khi, tiền bán tiêu thô không đủ bù đắp cho chi phí sản xuất, không đủ tiền công hái nên bà con bỏ rẫy không thu hoạch.

Tuy nhiên, từ khi áp dụng công nghệ chế biến, hợp tác xã đã làm ra các sản phẩm tiêu chất lượng cao theo quy trình hữu cơ; chuyển từ bán thô sang bán các sản phẩm đã qua chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn của nhiều thị trường khó tính.

Từ mức giá 80.000 đồng/kg ban đầu, nay giá tiêu qua chế biến được nâng lên tới 300.000 đồng/kg bán sỉ và 500.000 đồng/kg bán lẻ. Đây là một bước tiến đáng kể để nâng tầm giá trị hạt tiêu Việt Nam.


Phương Thúy
Cùng chuyên mục