Nóng: Thêm 33 doanh nghiệp, tổ chức Trung Quốc lọt danh sách đen của Mỹ

23/05/2020 10:20 GMT+7
Hôm 22/5 (giờ Mỹ), Mỹ chính thức tuyên bố bổ sung thêm 33 công ty, tổ chức của Trung Quốc vào danh sách đen hạn chế thương mại trong bối cảnh căng thẳng Mỹ Trung leo thang.
Nóng: Thêm 33 doanh nghiệp, tổ chức Trung Quốc lọt danh sách đen của Mỹ - Ảnh 1.

Mỹ đưa thêm 33 doanh nghiệp, tổ chức Trung Quốc vào danh sách đen hôm 22/5

Bộ Thương mại Mỹ lý giải nguyên nhân đưa 33 doanh nghiệp, tổ chức Trung Quốc vào danh sách đen là do các thực thể này hỗ trợ Bắc Kinh trong hoạt động theo dõi, giám sát cộng đồng dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ hoặc liên quan đến phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và quân đội Trung Quốc.

Trước đó, hồi tháng 10/2019, Mỹ từng đưa 28 thực thể Trung Quốc khác vào danh sách đen, trong đó có cả công ty giám sát camera lớn nhất thế giới Hikvision do những vấn đề vi phạm nhân quyền với người Tân Cương.

Động thái của Bộ Thương mại Mỹ đánh dấu những nỗ lực mới nhất của chính quyền Trump trong việc “giáng đòn” lên các công ty Trung Quốc hỗ trợ hoạt động quân sự của chính phủ Bắc Kinh cũng như vi phạm nhân quyền của người dân tộc thiểu số.

Trong số 33 thực thể bị đưa vào danh sách đen, có 7 doanh nghiệp và 2 tổ chức bị cáo buộc vi phạm nhân quyền trong chiến dịch cưỡng bức lao động, giám sát công nghệ cao với người Duy Ngô Nhĩ. Hơn 20 công ty, tổ chức chính phủ và tổ chức thương mại khác bị cáo buộc hỗ trợ quân đội Mỹ mua sắm các sản phẩm công nghệ phục vụ quân sự.

Đa số các công ty bị đưa vào danh sách đen hoạt động trong lĩnh vực nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo, bao gồm cả những đối tác lớn của các doanh nghiệp chip Mỹ. Trong đó có NetPosa - doanh nghiệp phát triển trí tuệ nhân tạo hàng đầu Trung Quốc, sở hữu công ty con nghiên cứu lĩnh vực nhận dạng khuôn mặt với độ chính xác cao. CloudMinds, một doanh nghiệp được hậu thuẫn bởi Softbank cũng lọt danh sách đen. Doanh nghiệp này vận hành dịch vụ đám mây để phát triển các dòng robot hình người có khả năng giao tiếp đơn giản. Hồi năm ngoái, CloudMinds đã bị Bộ Thương mại Mỹ cấm vận chuyển công nghệ hoặc thông tin kỹ thuật từ cơ sở tại Mỹ sang các văn phòng ở Bắc Kinh.

Bị đưa vào danh sách đen của Mỹ đồng nghĩa với việc các công ty và tổ chức này phải đối mặt với sự hạn chế thương mại. Các doanh nghiệp Mỹ giờ đây phải được Bộ Thương mại cấp phép nếu muốn bán hàng cho các thực thể này. Không phải mặt hàng nào cũng dễ dàng được cấp phép, nhất là các mặt hàng công nghệ cao và có nguy cơ gây ra rủi ro an ninh quốc gia.

Xilinx Inc, một công ty sản xuất chip cho hay có ít nhất một khách hàng lớn của công ty này đã lọt danh sách đen mà Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố, nhưng tin rằng tác động kinh doanh sẽ không đáng kể. “Chúng tôi tuân thủ mọi quy tắc và quy định mới của Bộ Thương mại Mỹ” - đại diện doanh nghiệp cho hay.

Song song với việc đưa thêm các doanh nghiệp, tổ chức Trung Quốc vào danh sách đen; Mỹ cũng đang nỗ lực siết chặt các hạn chế với những thực thể đã bị đưa vào danh sách đen từ lâu. Hồi tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành Bộ quy tắc sản phẩm sản xuất tại nước ngoài, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải được Mỹ cho phép nếu muốn xuất khẩu cho Huawei. Đây được coi là đòn chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu của Huawei, qua đó đưa căng thẳng Mỹ Trung tiếp tục leo thang.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục