Nuôi tôm nước lợ: Cần 130 tỉ con giống năm 2021

22/01/2021 16:19 GMT+7
Theo kế hoạch, nuôi tôm nước lợ năm 2021 cần khoảng 130 tỉ con tôm giống, 250.000 con tôm bố mẹ và phấn đấu đạt sản lượng trên 900.000 tấn.

Hội nghị "Quản lý giống tôm nước lợ và ký Quy chế phối hợp năm 2021" vừa diễn ra tại TP Sóc Trăng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết năm 2020 sản xuất nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Đặc biệt, ngành hàng thủy sản chiếm trên 8,5 tỉ USD, trong đó xuất khẩu tôm 3,9 tỉ USD, chiếm tỉ trọng lớn trong các ngành hàng xuất khẩu.

Năm 2021, kế hoạch sản xuất tôm nước lợ đạt 740.000 ha, nhu cầu tôm giống khoảng 130 tỉ con, nhu cầu tôm bố mẹ khoảng 250.000 con, phấn đấu đạt sản lượng trên 900.000 tấn. Từ năm 2021 đến năm 2025, ngành hàng tôm phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỉ USD.

Nuôi tôm nước lợ: Cần 130 tỉ con giống - Ảnh 1.

Nuôi tôm nước lợ năm 2021 cần khoảng 130 tỉ con tôm giống

Để đạt được mục tiêu này, ngành tôm cần đầu tư phát triển khoa học công nghệ, hạ tầng vùng nuôi, quy trình nuôi trồng, đặc biệt là sản xuất giống vì đây là yếu tố đóng vai trò quyết định. Năm 2021, ngành cần chú trọng các giải pháp trọng tâm đối với quản lý chất lượng và sản xuất giống tôm nước lợ.

Cả nước hiện có 2.200 cơ sở tôm giống, sản xuất 130 tỷ con giống/năm. Các cơ sở, doanh nghiệp giống phải tuân thủ các tiêu chí về tiêu chuẩn, qui chuẩn sản xuất giống đảm bảo đạt chất lượng tốt nhất và sạch bệnh.

Năm 2020, sản lượng tôm nuôi đạt trên 900.000 tấn, trong đó tôm sú trên 267.000 tấn, tôm thẻ chân trắng trên 512.000 tấn. Riêng ĐBSCL có vùng nuôi tôm lớn nhất nước 680.000 ha/738.000 ha, chiếm 92% diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước.

Trước đó, tổng cục Thủy sản đã có khung lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ năm 2021.

Tổng cục Thủy sản yêu cầu sở NN&PTNT các tỉnh, TP trực thuộc trung ương ven biển căn cứ vào khung lịch mùa vụ chung và tình hình thực tế địa phương để xây dựng lịch mùa vụ thả giống tôm nước lợ cụ thể, phù hợp từng vùng sinh thái trên địa bàn.

Đồng thời chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ kiểm soát tốt chất lượng con giống và vật tư đầu vào dùng trong nuôi trồng thủy sản.

Khuyến cáo người nuôi sử dụng con giống cỡ lớn qua ương dưỡng, áp dụng các mô hình nuôi hiệu quả như mô hình nuôi 2, 3 giai đoạn, mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, tuần hoàn, út thay nước… Tiếp tục triển khai quy trình nuôi tôm nước lợ hạn chế hóa chất.

Cùng với đó là triển khai hiệu quả kế hoạch kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ.

Đối với những tỉnh trọng điểm về sản xuất tôm giống như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình thuận, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… ngay từ đầu vụ cần tăng cường kiểm tra điều kiện của cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, kiểm tra việc sử dụng tôm bố mẹ để đảm bảo chất lượng giống.

Dung Nhi
Cùng chuyên mục