Ồ ạt “in giấy vay tiền”: Ngân hàng đổi vai, lãi suất “siêu rẻ” vẫn đắt khách
Ngân hàng "đổi vai" trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, trong tháng 5/2021, có 46 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 28.140 tỷ đồng; 1 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng trong nước với với tổng giá trị 500 tỷ đồng; 1 đợt phát hành trái phiếu xanh trên thị trường chứng khoán quốc tế giá trị 200 triệu USD.
Trong nhóm trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nước, nhóm ngân hàng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 18.485 tỷ đồng; nhóm các doanh nghiệp bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với tổng giá trị phát hành đạt 4.950 tỷ đồng.
Tính đến tháng 4/2021, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 72,1 nghìn tỷ đồng, giảm gần 20% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, riêng trong tháng 4, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có 30,5 nghìn tỷ đồng được phát hành thành công, tăng 33% so với tháng trước đó.
Trong 4 tháng đầu năm, nhóm bất động sản là tổ chức phát hành lớn nhất thị trường và chiếm tới 53,4% tổng giá trị phát hành.
Như vậy, trong 2 tháng đầu quý II/2021, các ngân hàng thương mại đã phát hành tổng cộng 33.674 tỷ đồng.
Trong đó, có 5.574 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2, còn lại phần lớn trái phiếu tổ chức tín dụng phát hành có kỳ hạn 2-3 năm.
Với 28.140 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng 5, có tới 76% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm (chủ yếu của các ngân hàng, công ty chứng khoán).
So với các nhóm ngành khác, trái phiếu ngân hàng được đánh giá là có độ an toàn cao nhất bởi tính thanh khoản cao và các ngân hàng hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.
Một số các tên tuổi đã phát hành nhiều đợt như: VPBank (15 đợt – 8.900 tỷ đồng), TPBank (6 đợt – 5.000 tỷ đồng), ACB (3 đợt – 5.000 tỷ đồng), VIB (3 đợt – 4.000 tỷ đồng).
Đà phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng trong dự báo vẫn chưa dừng khi các ngân hàng quy mô lớn vẫn có kế hoạch "in giấy vay tiền" trong năm nay.
Điển hình VietinBank mới đây đã thông qua phương án phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng để tăng vốn cấp 2, trong đó có 5.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 8 năm, lãi suất bằng trung bình cộng lãi suất tiết kiệm 12 tháng của 4 Ngân hàng (Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank) cộng 0,9%, 5.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm, lãi suất bằng trung bình cộng lãi suất tiết kiệm 12 tháng của 4 Ngân hàng (Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank) cộng 1,0%.
Lãi suất "siêu rẻ" so với lãi suất tiết kiệm?
Dẫn đầu thị trường về số lượng trái phiếu phát hành trong tháng 5, song lãi suất phát hành trái phiếu của các tổ chức tín dụng "rẻ" hơn nhiều so với lãi suất của các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản.
Theo đó, mức lãi suất trái phiếu ngân hàng chỉ từ 3,7-4,2%/năm, trong khi đó, lãi suất phát hành trái phiếu bất động sản chủ yếu dao động trong khoảng 9,5-11%/năm.
Không chỉ vậy, lãi suất trái phiếu của ngân hàng hiện nay thậm chí còn thấp hơn cả lãi suất tiền gửi tiết kiệm, nhưng các đợt phát hành của nhà băng đều thành công.
Đơn cử như tại SHB, nhà băng này huy động trái phiếu lãi suất kỳ hạn 2 năm lãi suất 3,8%/năm trong khi theo biểu lãi suất tiết kiệm của ngân hàng này, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 2 năm có lãi tới 6,1%/năm.
Lô trái phiếu này của SHB được hai công ty chứng khoán trong nước tham gia. Tổ chức tư vấn, đại lý phát hành và tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu là CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (Mã: SHS).
Tương tự tại BacABank, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 3 năm có lãi suất 4,2%/năm, thấp hơn nhiều so với mức 6,5%/năm khi gửi tiết kiệm.
Trước đó, TPBank cũng đã có 4 đợt phát hành trái phiếu cũng kỳ hạn 3 năm với lãi suất lần lượt 3%, 3,8%, 4,1%/năm và 3,8%/năm. Lãi suất tiết kiệm cao nhất của TPBank hiện ở mức 6,3%/năm.
Hay như tại ACB, ngân hàng này cũng vừa công bố phát hành được 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm cho 2 công ty chứng khoán trong nước với lãi suất 4%/năm, bằng 54% lãi suất tiết kiệm cao nhất tại nhà băng này.
Ngược lại, HDBank vừa thông báo kết quả phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, nggày 2/6/2021 ngân hàng đã phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm. Lãi suất trái phiếu áp dụng cho kỳ thanh toán lãi đầu tiên là 7,775%. Các kỳ thanh toán lãi tiếp theo, lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng với 3,2%/năm.
Đây cũng được xem là mức lãi suất cao nhất mà các ngân hàng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đầu năm đến nay. So với lãi suất tiết kiệm, lãi suất trái phiếu tại HDBank nhỉnh hơn mức lãi suất tiết kiệm cao nhất 6,95%/năm của nhà băng này.