Ồ ạt xuất khẩu dừa tươi sang Thái Lan
Theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), dừa tươi Việt Nam nhập khẩu vào Thái Lan trong 7 tháng đầu năm nay đạt 129 nghìn tấn, trị giá 50,4 triệu USD. Con số này tăng tới 377,7% về lượng và 781,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ tăng trưởng mạnh, Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu dừa tươi lớn nhất sang Thái Lan, chiếm tỷ trọng 61,4% trong tổng lượng dừa tươi nhập khẩu vào nước này.
Thái Lan đang là trung tâm chế biến dừa ở Đông Nam Á dù vùng nguyên liệu dừa ở nước này khó so bì với các nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Việt Nam.
Do Thái Lan tăng nhập khẩu dừa để đa dạng nguồn nguyên liệu cho chế biến nên dừa tươi Việt Nam và Indonesia nhập khẩu vào nước này đều tăng rất mạnh.
Nhập khẩu dừa tươi của Thái Lan trong 7 tháng đầu năm đạt 210,2 nghìn tấn, trị giá 76,4 triệu USD, tăng 299,5% về lượng và tăng 592,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhập khẩu bình quân quả dừa tươi của Thái Lan đạt 363,3 USD/tấn, tăng 73,4% so với cùng kỳ.
Ngoài gia tăng nhập khẩu, có thể thấy nhiều sản phẩm dừa chế biến từ Thái Lan đang dần xuất hiện rộng rãi và chiếm ưu thế trên thị trường, lấn át các sản phẩm dừa chế biến của Việt Nam như dừa vị chocolate, dừa sấy giòn, mứt dừa dẻo, hạt điều sấy dừa…
Theo giới chuyên gia, việc gia tăng xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam sang Thái Lan trong lúc này cũng chính là điều mà các doanh nghiệp nông sản trong nước cần phải suy ngẫm. Thay vì chạy theo thành tích xuất khẩu dừa tươi, các doanh nghiệp cũng cần tiếp tục thúc đẩy khâu chế biến để tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thực tế, gần đây, các doanh nghiệp trong nước cũng đã biết cách làm mới sản phẩm chế biến từ trái dừa để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới như nước sữa dừa hữu cơ, nước dừa hộp giấy, dầu dừa nguyên chất ly tâm, nước cốt dừa, dừa sấy giòn…
Tuy nhiên, sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế ở mảng chế biến sản phẩm từ dừa của các doanh nghiệp trong nước còn khá khiêm tốn. Điểm yếu cố hữu của ngành dừa trong nước là tình trạng canh tác manh mún, nhỏ lẻ, chuỗi phân phối giá trị trong ngành dừa còn lỏng lẻo…