Ông Trump lại dọa chấm dứt làm ăn với Trung Quốc để khỏi mất trắng hàng tỷ USD
“Chúng tôi sẽ đưa Mỹ trở thành siêu cường sản xuất của thế giới, chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc từ này về sau” - Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trước giới phóng viên. “Cho dù bằng biện pháp tách rời kinh tế hay áp đặt trừng phạt thuế quan khổng lồ như tôi từng làm, chúng tôi sẽ chấm dứt thời đại phụ thuộc vào Trung Quốc, bởi ta chẳng thể trông chờ dựa vào Trung Quốc được”.
“Tách rời kinh tế, đó là một khái niệm thú vị. Chúng ta đang mất hàng tỷ USD. Nếu chúng ta không làm ăn với họ (Trung Quốc), hàng tỷ USD này sẽ không rời khỏi túi chúng ta. Đó chính là tách rời. Vì vậy, hãy bắt đầu suy nghĩ về nó” - ông Trump nói thêm.
Vị đương kim Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố sẽ buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho những thiệt hại khổng lồ mà đại dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế Mỹ. Cho đến nay, đã có ít nhất 181.000 người Mỹ tử vong vì dịch Covid-19, và những tổn thất kinh tế là chưa đo đếm nổi. Ông Trump đồng thời cáo buộc ứng viên Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden là “con tốt thí” của Bắc Kinh, cũng như trước đó ông từng nhấn mạnh “Trung Quốc sẽ có được đất nước chúng ta nếu Joe Biden thắng cử”.
Về thực trạng nền kinh tế Mỹ, Tổng thống Trump chỉ ra rằng kinh tế Mỹ đang chứng kiến suy thoái nông hơn bất cứ quốc gia lớn nào ở Phương Tây. Trong quý II/2020, GDP Mỹ chỉ giảm 9,5%, mức giảm nhẹ hơn nhiều so với các nước như Đức hay Anh. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 8 cũng giảm từ mức hai con số về 8,4%.
Đề cập đến các mục tiêu hành động trong nhiệm kỳ thứ hai nếu đắc cử, ông Trump tuyên bố chính quyền ông sẽ giảm thuế sản xuất tại MỸ và áp đặt các mức thuế quan khác với những doanh nghiệp Mỹ rời quê nhà, tạo công ăn việc làm cho các quốc gia khác như Trung Quốc. Dù rằng, việc áp đặt thuế quan hoặc các hạn chế khác với những công ty Mỹ như vậy có nguy cơ làm dấy lên sự phản đối trong cộng đồng doanh nghiệp, những đối tượng vốn đã điêu đứng vì cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài gần 2 năm qua cũng như khủng hoảng đại dịch Covid-19 từ đầu năm nay.
Trước đó, Phòng Thương mại Mỹ, tổ chức 3 triệu thành viên doanh nghiệp bao gồm những gã khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất như Ford Motors hay đại gia công nghệ IBM đã lên tiếng phản đối các mức thuế quan trừng phạt mà chính quyền Trump áp lên Trung Quốc và các đối tác thương mại khác. “Các mức thuế mới với nhôm, thép và hàng nhập khẩu Trung Quốc, cũng như mối đe dọa thuế quan bổ sung với ô tô và phụ tùng ô tô có nguy cơ châm ngòi một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu… Nói một cách đơn giản, thuế quan sẽ quay ngược trở lại đánh vào chính người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ. Thuế quan là cách tiếp cận sai lầm để giải quyết các hành vi thương mại không công bằng” - trích tuyên bố đăng trên trang web chính thức của Phòng Thương mại Mỹ.
Trong bài phát biểu hôm 7/9, ông Trump lập luận nông dân Mỹ đang “rất hài lòng” với chính sách của ông, vì các gói cứu trợ nông nghiệp mà chính quyền Trump tung ra cho đến nay là đủ để bù đắp phần doanh thu bị thiệt hại do thuế quan trừng phạt Trung Quốc. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây của Đại học bang Iowa chỉ ra rằng 44% các nhà sản xuất nông sản ở bang nông nghiệp này vẫn đang phải vật lộn để trang trải chi phí bất chấp những nỗ lực kích thích, viện trợ từ chính phủ.