P&G, Nestlé và PepsiCo tăng giá sản phẩm tại thị trường Mỹ

17/11/2021 19:34 GMT+7
Hàng loạt thương hiệu lớn đang tăng giá hàng hóa với một niềm tin mãnh liệt vào sự “trung thành” nơi khách hàng của họ, tuy nhiên, chiến lược này có thể phản tác dụng.

CEO tại các tập đoàn "khủng lồ" như P&G, Nestlé và PepsiCo đã đồng loạt tăng giá sản phẩm của mình trong năm qua mà không hề lo lắng về việc sẽ bị mất khách hàng. Hầu hết họ đều cho rằng lòng trung thành với thương hiệu đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và đằng sau đó là ngụ ý họ sẽ vượt qua được lạm phát.

Vào tháng 9, ông François-Xavier Roger - Giám đốc tài chính của Nestlé đã dự đoán rằng so với năm nay, chi phí của công ty sẽ tăng nhiều hơn vào năm 2022. "Chúng tôi không biết liệu điều này có tồn tại vĩnh viễn hay không. Chúng tôi cũng không biết liệu nó có còn tăng cao hơn vào năm 2023 hay không. Nhưng chúng tôi sẽ có cách tiếp cận khá thực dụng và dù sao thì bạn cũng biết chiến lược của chúng tôi là gì, đó là bù đắp bất cứ thứ gì chúng tôi phải chịu thông qua việc định giá sản phẩm. Vì vậy, ý tưởng thực sự chính là chuyển nó vào việc buôn bán và cho người tiêu dùng bất cứ khi nào chúng tôi thấy chi phí tăng". Tháng trước, ông Roger xác nhận rằng tác động của lạm phát đối với chi phí của công ty dự kiến rơi vào khoảng 4% giá vốn hàng bán vào năm 2021.

P&G, Nestlé và PepsiCo tăng giá sản phẩm bằng... niềm tin vào khách hàng - Ảnh 1.

P&G, Nestlé và PepsiCo tăng giá sản phẩm với niềm tin rằng khách hàng lâu năm sẽ không "bỏ" mình.

Trong khi đó, tại một cuộc họp báo về thu nhập mới nhất của P&G, Giám đốc tài chính Andre Schulten của công ty lại cho biết khách hàng dường như không bị bối rối bởi những đợt tăng giá gần đây của công ty. "Những đợt tăng giá đã áp dụng vào thị trường Mỹ hầu hết đều đã có hiệu lực vào giữa tháng 9 và chúng tôi chưa thấy có bất kỳ phản ứng vật chất nào từ phía người tiêu dùng về khối lượng bao tiêu", vị giám đốc này khẳng định.

Cùng quan điểm, Giám đốc điều hành Pepsi Ramon Laguarta chia sẻ người tiêu dùng dường như đang xem xét giá cả hơi khác so với trước đây. "Người tiêu dùng mua sắm tại cửa hàng nhanh hơn và họ có thể ít chú ý đến giá cả như một yếu tố quyết định. Họ dường như quan tâm nhiều hơn đến nhãn hiệu hoặc thương hiệu mà họ thấy gần gũi hơn, cảm tính hơn, như thương hiệu của chúng tôi".

Niềm tin… thiển cận

Nhưng các chuyên gia cho rằng niềm tin hiện tại của các thương hiệu về việc người tiêu dùng sẽ gắn bó với các sản phẩm yêu thích của họ khi giá tiếp tục tăng có thể là thiển cận. Phil Lempert, một nhà phân tích và chuyên gia về xu hướng thực phẩm cho biết: "Chúng tôi đã nhận thấy một cảm giác an toàn sai lầm từ một số thương hiệu cho rằng họ có thể tăng giá và người tiêu dùng vẫn sẽ trả giá".

"Người tiêu dùng đang xem xét rất cẩn thận số tiền họ đang chi tại các cửa hàng tạp hóa. Họ đã thấy giá hàng tạp hóa tăng lên. Nó vẫn đang tiếp tục tăng. Chỉ vì bạn có một thương hiệu quốc gia mang tính biểu tượng trong 100 năm cũng không có nghĩa là bạn có thể tăng giá", nhà phân tích Lempert nói.

Theo báo cáo mới nhất về giá tháng 10, trong năm qua, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 6,2%. Đặc biệt, giá  thực phẩm đã tăng đột biến ở mức 5,4%, với giá thịt, gia cầm, cá và trứng tăng 11,9%. Cụ thể, thịt bò đã tăng 20,1% và thịt lợn tăng 14,1% trong tháng 10, mức tăng cao nhất trong 12 tháng kể từ tháng 12/1990.

Tuy nhiên, việc lạm phát gia tăng này lại xảy ra vào thời điểm mà tác động của việc mở rộng trợ cấp thất nghiệp và các biện pháp kích thích đang suy yếu. Điều đó có nghĩa là người tiêu dùng sẽ cân nhắc hơn khi các thương hiệu yêu thích của họ tăng giá, vì vậy giá cả có thể lại trở thành yếu tố quan trọng.

Lần cuối cùng ví tiền của người tiêu dùng Mỹ bị ảnh hưởng đáng kể là trong thời kỳ Đại suy thoái và lòng trung thành với thương hiệu giảm xuống. Chỉ có khoảng 40% thương hiệu giữ được ít nhất 1/2 số khách hàng trung thành của họ trong thời kỳ bắt đầu suy thoái từ năm 2007 đến năm 2008.

Bất chấp niềm tin của các thương hiệu lớn, sự suy giảm lòng trung thành với thương hiệu của người tiêu dùng có thể đang diễn ra. Hơn 80% người tiêu dùng đã mua sản phẩm từ một thương hiệu khác với thương hiệu mà họ thường mua trong 3 tháng qua, theo một cuộc khảo sát được công bố vào tháng 9. Giá thấp hơn chính là động lực chính trong khoảng 65% quyết định của người tiêu dùng, trong khi 51% nói rằng sự sẵn có là động lực.

Ngoài ra, người tiêu dùng còn đang quản lý ví tiền của mình bằng cách đổi từ thương hiệu tên tuổi sang các sản phẩm mang thương hiệu của các cửa hàng. Michael Swanson - nhà kinh tế trưởng nông nghiệp tại Ngân hàng Wells Fargo cho biết: "Là các nhà kinh tế học, chúng tôi nói nhiều về sự thay thế và sự thay thế thực phẩm lớn đầu tiên mà bạn thấy là sự thay thế giữa các thương hiệu".

Trà Li
Cùng chuyên mục