Phe Biden bác bỏ chính sách "nước Mỹ trên hết" dưới thời Trump

25/11/2020 11:17 GMT+7
Nhóm quan chức ngoại giao được đề cử bởi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden mới đây đã đưa ra những tuyên bố đi ngược lại chính sách “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.
Phe Biden bác bỏ chính sách "Nước Mỹ trên hết" dưới thời Trump - Ảnh 1.

Phe Biden bác bỏ chính sách "Nước Mỹ trên hết" dưới thời Trump

Antony Blinken, người được ông Biden đề cử cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo đã khẳng định: “Chúng ta không thể giải quyết tất cả các vấn đề của thế giới một cách riêng lẻ. Chúng ta cần phối hợp với các quốc gia khác. Chúng ta cần sự hợp tác từ họ”.

“Tất nhiên, chúng ta phải tự tin, bởi nước Mỹ vĩ đại đến nay vẫn có năng lực lớn hơn bất kỳ quốc gia nào trên hành tinh này trong việc đưa các quốc gia khác cùng vượt qua những thách thức thời đại”. Phát biểu này của ông Blinken phản ánh cách tiếp cận đa phương của chính quyền Tân Tổng thống Biden, đi ngược lại chính sách "Nước Mỹ trên hết" dưới thời Trump.

Ông Antony Blinken từng phục vụ nhiều năm với vai trò cố vấn cho Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ông có thời gian giữ chức cố vấn an ninh quốc gia từ năm 2009 đến 2013 và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ từ năm 2015 đến 2017, thời mà ông Biden là phó Tổng thống Mỹ.

Tuyên bố của ông Blinken cũng được nhiều quan chức khác trong đội ngũ của Tổng thống đắc cử Joe Biden lặp lại trong những ngày qua. “Chủ nghĩa đa phương đã trở lại” - Linda Thomas-Greenfield, người được ông Biden đề cử cho vị trí đại sứ Liên Hợp quốc cho hay.

Đầu tuần này, chính quyền Trump đã có động thái đầu tiên bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng cho đội ngũ Biden, dù Tổng thống Trump tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu đến cùng. Ông Biden sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ vào 20/1/2021, tức khoảng 8 tuần kể từ thời điểm hiện tại.

Ngay khi nhậm chức, ông Biden và chính quyền mới của ông sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức đáng kể. Trong đó, mối quan tâm lớn nhất là cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 đang lây lan khắp nước Mỹ. Chỉ tính riêng tuần trước, ước tính hơn 10.000 người Mỹ đã tử vong vì virus SARS-CoV-2, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ CDC. “Tổng thống đắc cử Biden và tôi từ lâu đã xác định rằng khi chúng tôi bước vào Nhà Trắng, chúng tôi sẽ đối diện với một loạt thách thức chưa từng có” - Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris từng tuyên bố.

Trên mặt trận quốc tế, tân Tổng thống Joe Biden cũng ưu tiên vấn đề đối phó với khủng hoảng biến đổi khí hậu. “Lần đầu tiên, Mỹ sẽ có một chuyên gia khí hậu chuyên trách tham gia các cuộc họp cấp Bộ trưởng”. Trước đó, trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định khí hậu Paris.

Theo ông Biden, các nhà lãnh đạo thế giới đã bày tỏ mong chờ Mỹ “tái khẳng định vai trò lịch sử trên cương vị lãnh đạo toàn cầu, ở cả Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và trên toàn thế giới”. 

Bà Miyeon Oh, giám đốc sáng kiến an ninh châu Á tại tổ chức tư vấn trực thuộc Hội đồng Đại Tây Dương (Washington) nhận định nhiệm vụ của Biden lúc này là cho thấy ông làm thế nào để đáp ứng những kỳ vọng, sự khen ngợi của các đồng minh. “Điều quan trọng nữa là nhóm của Biden phải trình bày chiến lược rõ ràng trong chính sách với Trung Quốc càng sớm càng tốt… Các đồng minh Mỹ sẽ muốn biến chính sách với Trung Quốc của Biden sẽ giống hoặc khác Trump như thế nào, hoặc khác thời Obama ra sao”.


NTTD
Cùng chuyên mục