Phê duyệt hơn 10.436 tỷ đầu tư cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột
Cụ thể, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột tổng chiều dài 117,5km với quy mô 4 làn xe, chia làm 3 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 với chiều dài khoảng 32 km cơ bản trên địa bàn địa phận tỉnh Khánh Hòa được giao cho UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 2 chiều dài khoảng 37,5 km trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 3 chiều dài khoảng 48,5 km trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk do UBND tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản.
Theo phương án được phê duyệt, dự án thành phần 2 được đầu tư với tổng chiều dài gần 37 km. Tuyến đi qua thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa và các huyện M'Đrắk, Krông Bông, Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.
Điểm đầu tại tại Km32+000 kết nối với điểm cuối dự án thành phần 1, thuộc địa bàn thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Điểm cuối tại Km68+854,48 (trùng với Km69+500, điểm dự kiến kết thúc Dự án thành phần 2) kết nối với điểm đầu dự án thành phần 3 thuộc địa bàn huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.
Tuyến cao tốc sẽ được đầu tư với quy mô đường cao tốc cấp 100, vận tốc thiết kế 100km/h theo tiêu chuẩn TCVN 5729:2012 "Đường ô tô cao tốc - Yêu cầu thiết kế", đoạn khó khăn châm chước với vận tốc thiết kế 80km/h.
Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc được đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 24,75m.
Giai đoạn phân kỳ, dự án đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 17m. Các đoạn nền đường đào sâu tùy theo địa hình, địa chất từng đoạn thiết kế mặt cắt ngang theo giai đoạn hoàn chỉnh.
Hạng mục đường gom, đường ngang, hoàn trả đường dân sinh sẽ được xây dựng với quy mô bề rộng nền đường 5m, bề rộng mặt đường 3,5m đường giao thông nông thôn loại B hoặc bề rộng nền đường 6m, bề rộng mặt đường 5m đường giao thông nông thôn loại A (khu vực miền núi); đoạn đi trùng đường hiện trạng, thực hiện hoàn trả theo quy mô đường hiện trạng.
Với phương án trên, tổng mức đầu tư dự án là hơn 10.436 tỷ đồng. Trong đó, chi phí GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư (đã bao gồm dự phòng) hơn 246 tỷ đồng; Chi phí xây dựng hơn 8.600 tỷ đồng; Chi phí thiết bị hơn 131 tỷ đồng; Chi phí QLDA, tư vấn, chi phí khác hơn 504 tỷ đồng; Chi phí dự phòng gần 954 tỷ đồng.
Dự án thực hiện từ năm 2022 và cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, hoàn thành tuyến năm 2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.